Thiết lập một số thói quen sinh hoạt theo hướng khoa học để kiểm soát cân nặng, cải thiện vóc dáng

Thói quen ăn chậm, nhai kỹ sẽ tránh nạp vào cơ thể nhiều thực phẩm. (Nguồn: The Sydney Morning Herald)

Theo Eat This, Not That, chất béo dư thừa ở vùng bụng không chỉ khiến bạn trông nặng nề, kém tự tin mà còn có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe tổng thể, bao gồm làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, các vấn đề về gan và thận, tiểu đường, bệnh tim mạch.

Thiết lập chế độ tập thể dục, ăn uống và thay đổi lối sống hằng ngày theo hướng khoa học, điều độ có thể giúp bạn tránh tích tụ thêm mỡ thừa, cải thiện vóc dáng.

Dưới đây là 5 việc bạn nên thực hiện ngay từ hôm nay.

Tập thể dục

Tập luyện là cách ít tốn kém và hiệu quả nhất để bạn giữ gìn sức khỏe cũng như vóc dáng. Huấn luyện viên Ronny Garcia khuyên nên tập cardio từ 75 đến 150 phút mỗi tuần.

Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập HIIT, Tabata... Tập luyện kháng lực cũng sẽ giúp tăng cường tốc độ trao đổi chất, có thể đốt cháy nhiều calo dư thừa hơn.

Ăn uống cân bằng

Lời khuyên hàng đầu để giữ 1 chế độ ăn uống lành mạnh đó là hãy hạn chế tối đa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và các thức uống chứa đường.

Chuyên gia khuyên nên thay thế những món không tốt cho sức khỏe này bằng ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh, protein nạc, rau và trái cây.

Kiểm soát khẩu phần ăn

Một số thủ thuật hữu ích để kiểm soát khẩu phần ăn bao gồm sử dụng bát/đĩa có kích thước nhỏ và tập thói quen đợi 1 lúc sau bữa ăn nhỏ để xem có còn cảm thấy đói hay không.

Điều quan trọng nữa là đảm bảo rằng, mỗi bữa ăn đều có đủ lượng protein và chất xơ để giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.

Bên cạnh đó, hãy thiết lập thói quen ăn chậm, nhai kỹ để cơ thể kịp nhận biết tín hiệu no-đói, nhờ đó hạn chế việc ăn uống quá đà, tiêu thụ nhiều hơn mức cơ thể cần.

Uống đủ nước

PT Garcia nói: "Bạn có biết rằng, đôi khi cơn khát có thể bị nhầm lẫn với cơn đói không? Đôi khi bạn nghĩ mình đang đói nhưng thực ra bạn chỉ khát mà thôi".

Vì vậy, hãy bảo đảm bạn uống đủ nước trong ngày. Việc này sẽ giúp no bụng, hạn chế thèm ăn vặt đồng thời tốt cho việc trao đổi chất, đào thải độc tố.

Ngủ đủ giấc

"Chế độ ngủ kém có thể làm tăng cảm giác thèm ăn những thực phẩm không lành mạnh", chuyên gia nói. Hãy cố gắng duy trì giấc ngủ ngon, kéo dài tối thiểu 7 tiếng mỗi đêm để cơ thể có đủ thời gian tái tạo năng lượng, trao đổi chất cũng như chữa lành các tổn thương từ bên trong.

(theo Ngôi sao)