Thời điểm quan trọng của NATO

Các nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị thượng đỉnh ở Thủ đô Brussels, Bỉ ngày 14-6. Ảnh: NATO

Tại Thủ đô Brussels, Bỉ vào đầu tuần này, NATO đã thảo luận về những thách thức mà liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới này đang phải đối mặt. Trong cuộc gặp toàn thể trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2018, 30 quốc gia thành viên NATO đã nhất trí thông qua khái niệm chiến lược mới năm 2030 (NATO 2030).

Bình luận về tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, việc toàn thể NATO thống nhất ý chí để đưa ra một tuyên bố đã cho thấy tín hiệu quan trọng nhất là, Khối thực sự đã có những bước tiến quan trọng trong việc củng cố “nội lực”, đoàn kết nội khối. Bởi trong nhiều năm qua, vấn đề “nội bộ lục đục” của NATO luôn “trói chân” liên minh này. Trong một tập thể chia rẽ sâu sắc, việc hàn gắn hàng loạt rạn nứt từng được xem là ưu tiên hàng đầu, song thực tế, nỗ lực ấy khá mờ nhạt trong nhiều năm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh lần này là thời điểm quan trọng đối với Liên minh và là thời điểm “bản lề” để mở ra một chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Với một chương trình nghị sự dày đặc, bao trùm hầu hết các vấn đề nổi cộm về an ninh trên thế giới, NATO đã đưa ra nhiều tham vọng hướng tới tương lai, xác định rõ nét hơn cách tiếp cận với thời đại mới. Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng, việc thay đổi để thích ứng sẽ giúp NATO giữ vững vị thế là liên minh thành công nhất trong lịch sử.

NATO 2030 đầy tham vọng hướng tới các trọng tâm như ủng cố phòng thủ tập thể, tăng cường khả năng phục hồi, nâng cao lợi thế công nghệ, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, thúc đẩy đổi mới, thúc đẩy quan hệ đối tác, ngăn chặn vũ khí hạt nhân, các vấn đề về địa chính trị, an ninh mạng, an ninh vũ trụ, giải quyết các “điểm nóng” xung đột mà NATO đang hiện diện, đặc biệt là tại Afghanistan,... Tựu chung tất cả trọng tâm của NATO đều có cùng phương hướng là củng cố hơn nữa đoàn kết nội khối sau nhiều năm xáo trộn.

Đáng chú ý, NATO lần đầu tiên đề cao cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và coi đây là nhiệm vụ quan trọng. NATO coi biến đổi khí hậu là yếu tố đe dọa đến an ninh của Liên minh và cần phải hướng tới mục tiêu tăng cường nhận thức, thích ứng, giảm thiểu tác hại và nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. NATO sẽ đưa chống biến đổi khí hậu vào toàn bộ công việc của mình, từ lập kế hoạch quốc phòng, phát triển năng lực quân sự, dân sự và các hoạt động diễn tập.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế chỉ ra rằng, NATO thực sự đang hiện thực hóa những mong muốn “chuyển mình” với một khái niệm chiến lược mới để thay thế cho chiến lược hiện nay được xác định từ năm 2010 dù đang còn hiệu lực nhưng không thể phủ nhận rằng, phần lớn đã lỗi thời. NATO 2030 được đánh giá là một sáng kiến toàn diện, đảm bảo cho NATO sẵn sàng đối diện với những thách thức trong tương lai.

Xoay quanh hội nghị lần này, dư luận quốc tế cũng luận bàn tới quan niệm “NATO lỗi thời” từng được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nguyên thủ quốc gia thành viên chỉ trích. Tuy nhiên, trái ngược với người tiền nhiệm từng tuyên bố sẽ rút khỏi NATO, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy những quan điểm tích cực cùng cam kết củng cố sức mạnh NATO. Ông Biden khẳng định rằng, NATO hết sức quan trọng đối với Mỹ. Quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hàng đầu khác của NATO cũng đang theo chiều hướng tích cực, cho thấy vai trò của NATO trên bình diện quốc tế vẫn vô cùng quan trọng. Mặt khác, khảo sát quan điểm của người dân các nước thành viên NATO mới đây cũng cho thấy, niềm tin vào NATO đang có chiều hướng tăng lên và ở mức khá thuận lợi khi phần lớn đều đạt tỷ lệ tin tưởng từ 60 đến trên 70%.

Thanh Trúc