Thực hiện nhiều giải pháp, tạo hợp lực hỗ trợ tăng trưởng

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh

TS. Nguyễn Văn Hiến

PV: Ông nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Nền kinh tế đang bước vào những ngày cuối cùng của năm. Phải nhìn nhận năm 2023 là năm vô vàn khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu do khủng hoảng địa chính trị cũng như hậu quả để lại của đại dịch Covid-19. Các nền kinh tế lớn trên thế giới hầu hết đều rơi vào suy thoái, thị trường bị thu hẹp, lạm phát không ngừng gia tăng. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế tốt lạm phát và giữ được đà tăng trưởng, mặc dù tốc độ tăng trưởng không đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 cho thấy, tăng trưởng mặc dù còn kém xa mục tiêu đề ra, nhưng nền kinh tế đã dần đi vào quỹ đạo tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,28%, quý II đã tăng lên 4,05%, quý III đạt mức 5,33% và quý IV khả năng cao sẽ cán mức 7%. Tính trung bình cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt trên 5%, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng khá.

Trong đó, ba điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023 là thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển nông nghiệp và giải ngân đầu tư công.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 11/2023, tổng thu hút FDI đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ 2022, đứng đầu các nước Asean và vào top 5 các quốc gia châu Á về tốc độ tăng thu hút FDI; về nông nghiệp tăng trưởng chung của ngành 9 tháng năm 2023 tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp khoảng 9,5% vào tổng mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế. Trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp phát triển ổn định sẽ là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết tháng 6/2024 là vô cùng cần thiết

TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, những tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đặt ra trong năm 2024 phải đạt từ 6-6,5%, việc đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% đến hết tháng 6/2024 là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023 Việt Nam đã đạt thành tích khá ngoạn mục. Lần đầu trong lịch sử, hết quý III chúng ta vượt ngưỡng tỷ lệ 50% giải ngân đầu tư công. Đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ đồng (tương đương 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả của nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương. Việc giải ngân vốn đầu tư công tốt đã trở thành động lực quan trọng để kích cầu và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mặc dù có một số điểm sáng như phân tích ở trên, tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn như xuất khẩu và nhập khẩu nhiều lĩnh vực sụt giảm, đặc biệt là xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm đến 17-18% so với cùng kỳ, nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm khoảng 11%. Chỉ số sản xuất công nghiệp mặc dù các tháng cuối năm có được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức rất thấp. Sức cầu của thị trường nội địa rất yếu, thể hiện chỉ số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ quý III chỉ ở mức 7-7,5 % so với mức 15-16% cùng kỳ năm 2022, thị trường vốn, thị trường bất động sản còn rất nhiều khó khăn, ách tắc… Những con số đó cho thấy những khó khăn thách thức đối với nền kinh tế vẫn còn đang hiện diện ở phía trước.

PV: Mới đây, Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Chính sách này sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Vai trò và tác động tích cực của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đối với thị trường và doanh nghiệp đã thể hiện khá rõ trong năm 2022 và 2023 khi thực hiện chính sách này. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhờ chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, trong đó có chính sách giảm 2% thuế GTGT thì chỉ số bán hàng, doanh số bán hàng của năm 2022 tăng 19,8 % và thu thuế GTGT không giảm mà còn tăng 10%.

Tình hình kinh tế thế giới và trong nước cuối năm 2023 cho thấy, năm 2024 nhất là những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Nếu Nhà nước không tiếp tục có các chính sách hỗ trợ thì việc duy trì đà tăng trưởng của các tháng cuối năm 2023 sẽ có nguy cơ cao là khó thực hiện được, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đặt ra trong năm 2024 phải đạt từ 6-6,5%. Vì vậy, việc đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% đến hết tháng 6/2024 là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Vấn đề là ngành Tài chính, với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về chính sách tài khóa cần tính toán, nghiên cứu tổng thể các giải pháp như thế nào nhằm khai thác thêm nguồn thu cũng như tiết kiệm chi tiêu để đảm bảo cân đối ngân sách quốc gia.

PV:Bên cạnh các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí, theo ông, năm 2024 cần chú trọng những động lực nào để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% mà Quốc hội vừa thông qua?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Việc áp dụng các công cụ chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng là cần thiết. Tuy nhiên, dư địa tài khóa của nền kinh tế cũng chỉ có giới hạn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, ngoài các chính sách tài khóa, cần sử dụng nhiều công cụ khác để tạo hợp lực hỗ trợ tăng trưởng. Chẳng hạn các biện pháp khai thông thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng. Khai thông thị trường và kích cầu tiêu dùng là những giải pháp tổng thể tác động vào cả yếu tố cung và yếu tố cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Thực tế hiện nay đối với một số thị trường có đầy đủ yếu tố cung và cầu, nhưng cung cầu không gặp nhau cũng gây ra tình trạng ách tắc và đóng băng thị trường, thị trường bất động sản là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu triển khai các giải pháp đẩy mạnh kích cầu đầu tư, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài FDI và kích cầu xuất khẩu khi thị trường quốc tế đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.

Nói tóm lại, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó, khó khăn và thức không hề nhỏ, đòi hỏi Chính phủ phải triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó có chính sách tài khóa. Chỉ như vậy mới có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

PV:Xin cảm ơn ông!

ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 ở mức 6%

Trong báo cáo mới nhất, ân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 được duy trì ở mức 6%, trong khi năm 2023 là 5,2%.

Theo ADB, sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước.

Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4% cho năm 2024.

Rủi ro đối với triển vọng này bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao. Khả năng gián đoạn nguồn cung do hiện tượng thời tiết El Nino hoặc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng có thể kích hoạt lạm phát, đặc biệt liên quan đến lương thực và năng lượng.

ADB đã nhiều lần điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Hồi đầu năm, tổ chức này nhìn nhận GDP Việt Nam có thể tăng 6,5%, sau đó hạ về 5,8% trong lần đánh giá tháng 7 và tháng 9.

Hồi tháng 10, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam vẫn rất lạc quan rằng, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cả năm là 5,8% trong năm 2023. Điều này dựa trên những tín hiệu tích cực trong ngành dịch vụ và xây dựng.

ADB cũng ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, với giá cả nông nghiệp duy trì ở mức ổn định. Do đó, có một số động lực kinh tế sẽ đóng góp vào việc giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,8% cho cả năm. ADB cũng tin rằng việc duy trì động lực đầu tư công đóng vai trò quan trọng bởi điều này sẽ giúp phục hồi các hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập để từ đó đẩy mạnh tiêu dùng trong nước./.

Đức Việt