Thượng đỉnh Bộ tứ lần đầu tiên: Người mới, chuyện cũ

Ngày 9/3, Ấn Độ đã xác nhận về Thượng đỉnh Bộ tứ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison theo hình thức trực tuyến vào cuối tuần này.

Trước đó, lãnh đạo ngành ngoại giao Bộ tứ cũng đã tiếp xúc trực tuyến ngày 18/2. Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu mô tả cuộc họp 1 tiếng rưỡi là “đặc biệt sâu” với nội dung về nhiều thách thức khu vực và quốc tế hiện nay từ tình hình Myanmar, biển Hoa Đông, Biển Đông, Triều Tiên, đại dịch Covid-19 đến biến đổi khí hậu. Đây nhiều khả năng sẽ là nội dung thảo luận tại cuộc họp tới.

Với cá nhân ông Joe Biden, người lần đầu tiên dự họp trên cương vị Tổng thống Mỹ, đây không phải là những vấn đề mới, mà ngược lại, từng được ông đề cập gần đây, trực tiếp hơn cả là trong bài phát biểu tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/2. Tuy nhiên, cuộc họp sắp tới không vì thế mà kém hấp dẫn, thậm chí đáng chú ý hơn bao giờ hết vì một số lý do sau.

Lãnh đạo các nước Bộ tứ dự kiến họp Thượng đỉnh lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào cuối tuần này. (Nguồn: EPA-EFE, AFP, Reuters)

Câu chuyện cũ

Thứ nhất, quan hệ giữa Trung Quốc và Bộ tứ ngày một căng thẳng. Bắc Kinh nhiều lần tố cáo Bộ tứ là một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Đổi lại, Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời và phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 4/3 nhận định Trung Quốc là quốc gia duy nhất có tiềm lực kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thực sự thách thức hệ thống quốc tế ổn định, cởi mở hiện nay.

Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ chỉ tạm lắng sau khi hai bên ký thỏa thuận về xung đột biên giới tại Đường Kiểm soát thực tế (LAC), song có nguy cơ đối đầu trở lại bất cứ lúc nào. Trong khi đó, năm 2020 chứng kiến quan hệ ngoại giao, thương mại căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra, thể hiện qua hàng loạt các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước việc Bắc Kinh ban hành luật hải cảnh mới và tần suất xuất hiện dày đặc của máy bay, tàu chiến Trung Quốc tại khu vực tranh chấp là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo đã lên tiếng phản đối trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng song phương hồi tháng 2. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã tăng cường tàu tuần tra quần đảo Ogasawara ở phía Nam và tăng gấp 3 số lượng binh sỹ đồn trú để cải thiện năng lực giám sát vùng biển.

Trong bối cảnh đó, cuộc họp sắp tới được kỳ vọng sẽ giúp Bộ tứ cùng tìm giải pháp, xử lý tốt quan hệ với Trung Quốc, duy trì hòa bình, ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Giới truyền thông và chuyên gia sẽ đặc biệt quan tâm đến động thái của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhất là khi ông đã chọn Bộ tứ là thượng đỉnh đầu tiên để tham dự sau khi nhậm chức, phần nào thể hiện cam kết với đồng minh trong chiến lược với Trung Quốc.

Giới truyền thông và quan sát sẽ quan tâm đến động thái của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhất là khi ông chọn Bộ tứ là thượng đỉnh đầu tiên để tham dự sau khi nhậm chức, qua đó thể hiện cam kết với đồng minh trong chiến lược với Trung Quốc.

Thứ hai, tình hình Triều Tiên chưa có chuyển biến lớn sau khi ông Joe Biden nhậm chức. Trong Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un đã có chỉ dấu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại nếu Washington bày tỏ thiện chí. Song tính đến hiện tại, chính sách Triều Tiên của Tổng thống Joe Biden vẫn là ẩn số. Cuộc họp Bộ tứ có thể là cơ hội để ông chia sẻ lập trường của mình về Triều Tiên, mang tới những thay đổi tích cực mà khu vực hằng mong muốn.

Vấn đề mới

Thứ ba, đó là câu chuyện phân phối vaccine Covid-19. Theo Reuters, New Delhi đã kêu gọi Bộ tứ đầu tư vaccine Covid-19, mở rộng nỗ lực tiêm chủng toàn cầu nhằm chống lại ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

Hồi tháng 2, ngoại trưởng Bộ tứ đã nhất trí về đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất vaccine Covid-19, đảm bảo các nước đang phát triển được tiếp cận nguồn vaccine một cách công bằng, dù không đề cập trực tiếp đến cạnh tranh về quyền lực mềm với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và câu chuyện sản xuất, phân phối vaccine trở thành quan tâm chung, vấn đề này nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện tại thượng đỉnh Bộ tứ lần tới.

New Delhi kêu gọi Bộ tứ đầu tư vaccine Covid-19, mở rộng nỗ lực tiêm chủng toàn cầu nhằm chống lại ngoại giao vaccine của Trung Quốc. (Nguồn: New York Times)

Thứ tư, dù là vấn đề chỉ mới xuất hiện trong 1 tháng trở lại đây, song tình hình Myanmar cũng là nội dung thảo luận đặc biệt quan trọng. Trong cuộc họp Bộ tứ cấp Ngoại trưởng ngày 18/2, đại diện 4 bên đã thảo luận về “nhu cầu cấp bách cần khôi phục chính phủ dân cử tại Myanmar và ưu tiên thúc đẩy dân chủ trên diện rộng”. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu nhấn mạnh chính quyền dân chủ cần nhanh chóng được khôi phục tại Myanmar.

Myanmar cũng xuất hiện trong phát biểu của ông Joe Biden tại trụ sở Bộ Ngoại giao ngày 4/2 và Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời. Ngày 4/3, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung Bộ Quốc phòng Myanmar và hai tập đoàn chủ chốt do quân đội Myanmar nắm vào danh sách đen.

Các bên đều nhận định tình hình Myanmar tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Vì thế, tìm kiếm giải pháp toàn diện cho vấn đề là nhiệm vụ cấp bách của cộng đồng quốc tế, bao gồm Bộ tứ.

Các bên đều nhận định tình hình Myanmar tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Vì thế, tìm kiếm giải pháp toàn diện cho vấn đề là nhiệm vụ cấp bách của cộng đồng quốc tế, bao gồm Bộ tứ.

Với những trọng tâm xoay quanh nhiều vấn đề nóng của khu vực và quốc tế như vậy, cuộc họp lãnh đạo các nước Bộ tứ cuối tuần này trở nên đáng theo dõi hơn bao giờ hết.