NATO tham vọng tăng chi, chuẩn bị cho kịch bản ông Trump trở lại

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh rằng mục tiêu chi tiêu 2% sẽ đạt được “vào những năm 2020, những năm 2030 và hơn thế nữa”.

Chi tiêu quân sự theo khu vực của các thành viên NATO trong năm 2022. Ảnh: CNBC

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, nhấn mạnh rằng chi tiêu 2% luôn được thiết kế ở mức tối thiểu.

“2% chỉ có thể là bước khởi đầu. Chúng tôi có thể sẽ cần nhiều hơn trong những năm tới,” Bộ trưởng Pistorius chia sẻ tại một hội thảo do kiểm duyệt tại Hội nghị An ninh Munich.

Bình luận này được đưa ra sau khi cựu Tổng thống Mỹ Trump cuối tuần trước tuyên bố rằng ông "sẽ khuyến khích" Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với các thành viên NATO không đáp ứng được nguyên tắc chi tiêu quốc phòng của liên minh.

Năm 2006, các nước thành viên cam kết chi tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng, "để tiếp tục đảm bảo sự sẵn sàng quân sự của Liên minh". Năm nay, 18 trong số 31 thành viên NATO dự kiến sẽ đạt được mục tiêu - tăng từ mức chỉ có 3 thành viên vào năm 2014.

Bộ trưởng Pistorius cũng cho rằng căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, bao gồm cả ở châu Âu, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Phi, là lý do khiến ông kỳ vọng chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên.

Ông nói: “Một mặt, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến những gì đang diễn ra trên thế giới, bởi nó tác động tới tất cả, bao gồm Mỹ, NATO, Liên minh Châu Âu và các nước khác”.

Khi được phóng viên của CNBC hỏi liệu mục tiêu chi tiêu 4% có hợp lý hay không, ông Pistorius từ chối xác nhận con số cụ thể, thay vào đó lập luận rằng đó là về chi tiêu những gì cần thiết, cùng với việc tài trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng.

Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể đạt 3% hoặc thậm chí 3,5%, điều đó phụ thuộc vào những gì đang xảy ra trên thế giới”.

Trước đó, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết 18 quốc gia thành viên NATO có kế hoạch đáp ứng mục tiêu của liên minh là chi tiêu tương đương 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024.

Phát biểu tại Brussels trước cuộc họp của các quan chức quốc phòng từ 31 thành viên NATO, ông Stoltenberg lưu ý rằng số quốc gia đáp ứng ngưỡng này đã tăng lên nhanh chóng trong bối cảnh triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine và cuối cùng là triển khai tấn công toàn diện vào năm 2022.

Trong diễn biến liên quan, lo ngại về việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng được cho là cũng khuyến khích sự gia tăng chi tiêu.

“Đó là con số kỷ lục và tăng gấp sáu lần so với năm 2014 khi chỉ có ba đồng minh đạt được mục tiêu”, ông Stoltenberg khẳng định với báo giới.

Cho biết các đối tác của Mỹ trong NATO đã tăng chi tiêu thêm 600 tỷ USD trong thập kỷ qua, người đứng đầu NATO cũng cảnh báo rằng cựu Tổng thống Trump đang "phá hoại" an ninh của liên minh thông qua những nghi ngại về cam kết của Washington với các đồng minh.

Cựu Tổng thống Trump từ lâu đã phàn nàn về mức chi tiêu của các quốc gia NATO. Cuối tuần qua, ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã đặt ra câu hỏi về việc nước này có sẵn sàng hỗ trợ các thành viên “sai phạm” trong liên minh nếu họ bị Nga tấn công hay không.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng chỉ trích bình luận của ông Donald Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho rằng ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa có nguy cơ làm tổn hại đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và “cuối cùng có thể khiến nước Mỹ đang ngồi trên cành cây bị cưa đổ”.

Các thành viên NATO cũng đã cân nhắc kịch bản Mỹ có thể rút khỏi liên minh quân sự nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tại Hội nghị An ninh Munich kêu gọi các đại biểu xem xét lời nói cứng rắn của cựu đối thủ tổng thống của bà "theo nghĩa đen và nghiêm túc" khi mối lo ngại về tương lai của hiệp ước do Mỹ dẫn đầu ngày càng gia tăng.

Quốc hội Mỹ hồi tháng 12/2023 đã thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn bất kỳ tổng thống Mỹ nào đơn phương rút khỏi liên minh mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Liên Hà