Tiêu chuẩn chất lượng cung cấp dịch vụ về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao

Tiêu chuẩn chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ:

a) Về tổ chức và quản lý: Trung tâm Doping và Y học thể thao chịu trách nhiệm triển khai, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đúng với các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Cục Thể dục thể thao về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

b) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo phù hợp với các yêu cầu chuyên môn đề ra.

c) Về đội ngũ cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý: Các cán bộ chuyên môn phải đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung, chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đội ngũ cán bộ quản lý có kinh nghiệm trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đảm bảo 100% hoạt động dịch vụ phù hợp với mục đích, yêu cầu, tiêu chí của dịch vụ sự nghiệp công.

Về chất lượng dịch vụ giáo dục, truyền thông phòng, chống doping: a) Giáo dục truyền thông phải đảm bảo nâng cao nhận thức của vận động viên, huấn luyện viên, các cán bộ thể thao về phòng, chống doping trong các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế; b) Đảm bảo kết quả đánh giá tại Khoản 1 Điều 8 của Thông tư này được đánh giá từ Đạt yêu cầu trở lên.

Về chất lượng dịch vụ lấy mẫu kiểm tra doping và bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm và quản lý kết quả, các kỹ thuật thuộc quy trình lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu kiểm tra doping, xét nghiệm và quản lý kết quả phải đảm bảo đúng theo các Tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức phòng, chống doping thế giới về kiểm tra doping, quản lý kết quả và phù hợp với các quy định của Việt Nam về phòng, chống doping.

Nội dung cung cấp dịch vụ

Dự thảo quy định các nội dung cung cấp dịch vụ gồm:

1. Giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping: a) Lớp tập huấn giáo dục truyền thông phòng, chống doping; b) Lớp tập huấn cho cán bộ lấy mẫu nước tiểu (DCO), cán bộ lấy mẫu máu (BCO); c) Truyền thông tại các giải thi đấu thể thao; d) Truyền thông phòng, chống doping trực tuyến.

2. Lấy mẫu kiểm tra doping, bảo quản và vận chuyển mẫu: a) Lấy mẫu nước tiểu; b) Lấy mẫu máu.

3. Xét nghiệm mẫu kiểm tra doping

4. Hoạt động của các Hội đồng Miễn trừ; Hội đồng Quản lý kết quả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Hoa Hoa