Tinh thần Bộ đội Cụ Hồ của người lính lái xe

Vợ chồng Đại úy Bùi Văn Hải hạnh phúc với cuộc sống hiện tại nhưng vẫn không thể nào quên những năm tháng ở Trường Sơn.

Ký ức thời hoa lửa

Năm 1970, chàng trai 21 tuổi Bùi Văn Hải chính thức trở thành chiến sĩ công binh, trực tiếp lái xe trên chiến trường B (từ Quảng Trị trở vào). Với lợi thế từng là một công nhân cơ khí lái ô tô, chàng chiến sĩ trẻ với “bí danh” Hải “rượu” của Binh trạm 14, tiểu đoàn 333 anh hùng được nhiều bộ đội Trường Sơn biết đến. Hầu hết cánh lái xe đã học qua trường dạy lái ở Sơn Tây, nhưng khi vào Trường Sơn đều phải “qua tay” Hải “rượu” bổ túc ít nhất 10 ngày mới dám lái ở thực địa. Nhớ về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” không thể nào quên ấy, người cựu binh năm xưa giờ đã 73 tuổi cho biết: Trong kỷ niệm cuộc đời quân ngũ, ngoài sự ác liệt thì chiến tranh còn mang lại cảm xúc không thể nào quên về tình thương, tình đồng đội. “Kinh khủng nhất là những lúc chia tay, vĩnh biệt đồng đội. Ác liệt nhất là những năm 1970 - 1973, có những đêm hy sinh tới cả trăm người” - ông Hải nói.

Ngày 23-3-1972, máy bay Mỹ ném bom vào đúng địa điểm chiến sĩ Bùi Văn Hải và đồng đội đang chốt, làm nhiệm vụ tại trọng điểm A.T.P trên tuyến đường 20 - Quyết thắng. 8 đồng đội hy sinh, duy nhất ông Hải thoát chết. “Đồng đội của tôi toàn những người 19 - 20 tuổi, chưa ai có một mối tình” - trên căn phòng nhỏ ở một chung cư tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), Đại úy Hải kể lại với giọng nghèn nghẹn, mắt ngấn nước vì xúc động. Ông khẳng định: “Nói về cả một chặng đường chiến tranh ấy, bây giờ kể lại không nhà văn nào tả nổi. Cuộc chiến nào cũng có hy sinh, cũng gian khổ, nhưng phải tự hào rằng quân đội Việt Nam chúng ta rất dũng cảm, rất anh hùng. Đến giờ phút này chúng tôi vẫn tự hào về những điều mà mình đóng góp cho đất nước”.

Trên hành trình lái xe lúc chốt để thông đường, lúc ủi đường, lúc kéo xe tắc đường, ông Hải cho biết trọng điểm A.T.P trên đường 20 - Quyết thắng là một trong những trọng điểm chiến tranh chống Mỹ ác liệt hàng đầu, khó có nơi nào ác liệt bằng. A.T.P là tên viết tắt gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích mà bất kỳ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn nào cũng biết đến. Để tôi dễ hình dung, ông Hải lấy trong cuốn sổ cũ ra một bức ảnh đen trắng và bảo rằng đó chính là cua chữ A - nơi ông cùng đơn vị thường xuyên hoạt động. “Cua chữ A trên đường 20 là một trong những điểm hứng nhiều bom đạn của Mỹ nhất với 4 đoạn gấp khúc có chiều dài 2km, đi bình thường thôi đã thấy sợ, huống chi trên đầu luôn thường trực mưa bom của kẻ thù. Hầu hết các xe qua đây đều bị đánh bom tọa độ. Vậy nên bộ đội Trường Sơn mới có câu: Trời nắng máy bay nó đánh bổ nhào, mưa rào nó đánh tọa độ” - ông Hải kể.

Ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích là nơi đoàn 333 công binh chốt giữ. Trọng điểm này kéo dài 8km và bị máy bay B52 rải chất độc hóa học quanh năm suốt tháng. Theo ông Hải, khối lượng bom đạn ở đây được Mỹ dội xuống nhiều gấp 5 lần so với cua chữ A. Sách “5 trục dọc, 21 trục ngang đường Trường Sơn 1959 - 1975” do Đại tá Vũ Trình Tường biên soạn (NXB Thanh Niên, 2019) có thống kê: Bom cỡ lớn khu vực ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích có đến 10 vạn quả. Trọng điểm này Mỹ phải dùng đến cả bom từ trường, bom vướng nổ, bom 7 tấn điều khiển bằng tia la de và hàng nghìn cây nhiệt đới. Tính ra bình quân mỗi chiến sĩ của đoàn 333 phải hứng chịu trên 1.900 quả bom các loại, nhưng vẫn kiên cường thực hiện nhiệm vụ san lấp đất đá, đảm bảo tỷ lệ thông đường 486/580 ngày trong một đợt bị địch đánh phá khốc liệt nhất.

Vợ chồng Đại úy Bùi Văn Hải sau đám cưới ở Nghĩa trang Trường Sơn.

“Đầu năm 1973, sau khi ký kết Hiệp định Paris được vài ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn công tác gồm các cán bộ Bộ Quốc phòng và các tùy viên quân sự quốc tế đã vào thăm và ngủ lại ở trọng điểm A.T.P - nơi đoàn 333 chúng tôi chốt giữ” - ông Hải đưa ra bức ảnh chụp có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chia sẻ.

Đại úy Bùi Văn Hải nhận mình là một người có duyên đặc biệt với Nghĩa trang Trường Sơn, bởi tình yêu đến và đơm hoa kết trái cũng từ nghĩa trang ấy. Sinh năm 1949, nữ thanh niên xung phong Lê Thị Ngọc Hoa được đưa vào hỗ trợ cho trận tuyến khu vực Quảng Trị. Năm 1972, sau khi giải phóng Quảng Trị, bà Hoa ở lại dạy học bổ túc cho người dân địa phương. Do công tác cùng khu vực gần Nghĩa trang Trường Sơn nên bà Hoa và Đại úy Hải có duyên gặp gỡ, cảm mến lẫn nhau. Năm 1976, đám cưới của hai người diễn ra tại Nghĩa trang Trường Sơn, do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đứng ra tổ chức.

“Đám cưới nhà binh diễn ra rất vui vẻ. Đi đón dâu chỉ mất khoảng 3km, đi bộ cũng được nhưng chú rể lại lái xe tải cùng một xe phóng từ (để phá bom) đi qua Cồn Tiên, về Đông Hà rồi lại vòng về Gio Linh để đón dâu với quãng đường khoảng 30km cho... lịch sự” - Đại úy Bùi Văn Hải hào hứng kể. Sau đám cưới, Đại úy Hải tiếp tục tham gia ở mặt trận K và chuyển sang bộ phận bản đồ công binh của Viện Khảo sát thiết kế đường Trường Sơn. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, người lính công binh Trường Sơn năm nào tiếp tục có cơ hội phục vụ trên chiến trường biên giới phía Bắc.

Vợ chồng ông Hải đến thắp hương cho đồng đội tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh.

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Năm 1990, sau khi về nghỉ hưu, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông Hải vẫn phấn đấu để mở được một xưởng sửa chữa ô tô, tạo công ăn việc làm cho gần 100 con em đồng đội.

Vào dịp 30-4 hằng năm, ông Hải đều cố gắng thu xếp vào Nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho đồng đội. “Trong những ngày kỷ niệm như 30-4 thì quả thực là nhớ đồng đội vô cùng. Năm nào không vào được Nghĩa trang Trường Sơn là năm ấy cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với anh em đồng đội” - ông Hải nói. Những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu nên ông Hải đành thắp hương cho đồng đội tại khu đài tưởng niệm của Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ở gần nhà. Dịp 30-4 vừa qua, tại bảo tàng tình cờ lại có chương trình lễ dâng hương và kết nạp Đội viên của các em học sinh Trường Tiểu học Ban Mai. Ông Hải bất ngờ được Ban giám hiệu nhà trường mời chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm cùng các em học sinh và đã không giấu nổi niềm xúc động...

Đầu năm 2020, ông Hải phát hiện bị ung thư thực quản và từ đó đến nay đã 13 tháng ông phải chung sống với căn bệnh quái ác này. Dù vậy, ông vẫn luôn lạc quan và thấy mình thực sự là một người may mắn. Hai vợ chồng ông tích cực tham gia đội văn nghệ của phường, thường xuyên đàn hát về Trường Sơn.

Với ông Hải, cuộc sống giờ chủ yếu là dành thời gian đi thăm bạn bè khi có điều kiện. “Cũng mong nếu đồng đội nào có điều kiện, qua câu chuyện này, chúng ta tự tìm đến nhau. Hãy đến với nhau trong những năm tháng ít ỏi còn lại của cuộc đời. Gặp nhau giờ là quý lắm, quý không có lời văn lời thơ nào tả nổi. Để cùng tri ân tình nghĩa năm xưa, cùng làm những việc hữu ích cho đời, cho xã hội” - ông Hải nói.

Bài và ảnh: Lương Ðình Khoa