TP.HCM công bố chất lượng môi trường trên mạng

Sở TN&MT .HCM vừa có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

274 trạm quan trắc thủ công

Theo báo cáo của Sở TN&MT, tính đến hết năm 2023, địa bàn TP.HCM có 271 vị trí quan trắc thủ công. Trong đó, tại khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận có 34 vị trí. TP cũng có bốn trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng nước mặt và không khí. Như vậy, so với lộ trình phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường mà TP đề ra giai đoạn 2021-2025 thì đến nay, TP đã phát triển được 79% số lượng các vị trí quan trắc thủ công và 11% số lượng các trạm quan trắc tự động.

Báo cáo của Sở TN&MT cũng cho biết công tác quan trắc và kiểm soát chất lượng hoạt động quan trắc môi trường được thực hiện đúng trình tự theo quy định và đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật. Các trạm quan trắc đánh giá tương đối đầy đủ và kịp thời diễn biến chất lượng môi trường, đồng thời cung cấp số liệu tin cậy cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, các đề tài, dự án nhằm cải thiện chất lượng môi trường, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về môi trường.

“Sở TN&MT TP đã và đang triển khai công bố thông tin chất lượng môi trường định kỳ hằng tuần trên trang thông tin điện tử của sở để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt về diễn biến chất lượng môi trường của TP” - báo cáo của Sở TN&MT nêu.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, cho biết nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe của người dân, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP, UBND TP đã ban hành chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030. Trong đó, TP đã đề ra các nhóm giải pháp nhằm triển khai thực hiện chương trình, một trong những nhóm giải pháp đó là đầu tư trung tâm quan trắc TN&MT. Các trung tâm này giúp nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo và dự báo môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã dành một chương quy định liên quan đến quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và cảnh báo, dự báo về môi trường, đặt ra yêu cầu phải kịp thời đầu tư nâng cấp, thống nhất thông tin, dữ liệu và kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường.

Sở TN&MT khánh thành trung tâm quan trắc TN&MT vào tháng 11-2023. Ảnh: CTV

Vướng mắc về pháp lý

Theo Sở TN&MT, TP đã đưa ra kế hoạch phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường. Kế hoạch đã giúp cụ thể hóa lộ trình triển khai, lắp đặt và mở rộng các trạm quan trắc chất lượng môi trường trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời xác định các chỉ tiêu, tần suất, vị trí quan trắc đã giúp các đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển mạng lưới quan trắc còn gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể là tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP có nhiều biến động, tốc độ gia tăng dân số nhanh, các phương tiện giao thông vận tải cũng tăng nhanh so với dự báo. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác lập quy hoạch, xác định vị trí đặt trạm quan trắc cũng như việc dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường. Ngoài ra, các văn bản pháp lý cho hoạt động quan trắc môi trường chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thường xuyên được thay đổi, cập nhật, bổ sung cũng gây khó khăn trong việc triển khai kế hoạch.

Sở TN&MT cho biết theo kế hoạch đến năm 2025, TP sẽ có 20 trạm quan trắc không khí tự động, 14 trạm quan trắc nước mặt tự động. Tuy nhiên, tính đến nay TP chỉ mới triển khai đầu tư hoàn thành được hai trạm quan trắc không khí tự động, hai trạm quan trắc nước mặt tự động (chỉ chiếm tỉ lệ 11% theo kế hoạch).

Chính vì vậy, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận cho sở được thực hiện quan trắc thủ công tại các vị trí quy hoạch đặt trạm quan trắc tự động. Khi các trạm quan trắc tự động được đầu tư và đưa vào vận hành chính thức thì sẽ ngưng triển khai quan trắc thủ công tại các vị trí này.

Đồng thời, kiến nghị UBND TP chấp thuận cho Sở TN&MT trong giai đoạn từ năm 2026 được tiếp tục xây dựng và phê duyệt phương án dự toán triển khai thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn theo nội dung, khối lượng công việc như năm 2025 cho đến khi quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.•

NGUYỄN CHÂU