Trận đánh vang danh 'đi dạo mát' trong sào huyệt của quân Mỹ

Ít người biết rằng, kế hoạch về cuộc tiến công chiến lược Mậu Thân 1968, đã được soạn thảo từ năm 1965, trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt mang tên Kế hoạch X. Để chuẩn bị cho kế hoạch, lực lượng Biệt động F100 của Quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập.

Theo kế hoạch, sau khi Biệt động quân đánh vào các mục tiêu sẽ được quân chủ lực tiếp ứng và phong trào nổi dậy của quần chúng hỗ trợ, nhằm đánh sập các đầu não chỉ huy của đối phương. Song, kế hoạch X tạm dừng lại, đợi đến năm 1968 mới thực hiện.

Tòa đại sứ Mỹ là một trong những mục tiêu quan trọng. Tòa nhà này trước nằm trên đường Hàm Nghi, năm 1965 bị Biệt động đánh sập, phải chuyển về đường Thống Nhất. Công trình mới là một tòa nhà hiện đại, hoàn thành vào năm 1967. Lo sợ bị tấn công, tòa đại sứ mới được xây dựng theo công nghệ cao, cấu trúc vững chắc, tường chống đạn rocket, được bảo vệ rất cẩn mật.

1 giờ 55 phút ngày 31/1/1968, 17 chiến sĩ đội Biệt động số 11 do Ngô Thành Vân chỉ huy, dùng xe du lịch có hỏa lực B-40 và 100kg thuốc nổ, đột nhập thẳng cổng tòa đại sứ. Sau khi diệt 4 quân cảnh Mỹ gác ở cổng, dùng thuốc nổ phá thủng tường rào tòa đại sứ, tiến đánh vào bên trong, chiếm tầng 1 rồi tiến lên tầng 2 và 3 tòa đại sứ.

Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải bắt sống Đại sứ Bunker, nhưng các nhân viên an ninh sứ quán Mỹ, đã lén đưa được Bunker rời khỏi biệt thự bằng một chiếc xe bọc thép, sang ẩn nấp trong một hầm bí mật ở một địa điểm khác.

Chỉ 20 phút sau khi tòa đại sứ bị đánh, một toán quân cảnh Mỹ đến cứu viện, nhưng bị lực lượng Biệt động bắn chặn nên không vào được cổng chính. 7 giờ sáng ngày 31/1/1968, một trung đội quân cảnh Mỹ lọt được vào cổng chính. Chúng còn dùng hơi cay và hơi ngạt bắn vào tòa nhà, làm chiến sĩ ta mất sức chiến đấu. Cuộc chiến đấu trong sứ quán vẫn diễn ra quyết liệt.

Nhiều phóng viên Mỹ và nước ngoài có mặt tại chỗ quay phim phóng sự, truyền hình trực tiếp về Mỹ, làm cho dân chúng bàng hoàng. 7 giờ 20 phút hãng tin Mỹ AP đưa tin nhanh, do ký giả Peter Arnett từ Sài Gòn điện về New York: “Quân giải phóng đã chiếm lĩnh bên trong tòa đại sứ”, gây choáng váng cho Lầu Năm Góc và dư luận Mỹ.

Sau đó, tờ Tin hàng ngày Washington loan báo: “Cảnh sát quân sự Mỹ đã phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng, xuống nóc nhà sứ quán ở Sàỉ Gòn trong khói đạn, để giành lại ngôi nhà được coi là “chống du kích” nhưng lại bị chiếm trong hơn 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc chính phủ Johnson, dẹp bỏ những nhận định lạc quan của mình...”.

9 giờ sáng ngày 31/1/1968, quân Mỹ đổ được một bộ phận lực lượng Sư đoàn dù 101 xuống sân thượng tòa đại sứ. Lực lượng tăng viện của quân Giải phóng không đến được như kế hoạch hiệp đồng. Các biệt động quân Đội 11 dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng.

Trận đánh Đại sứ quán Mỹ kết thúc, Quân Mỹ, dù được trang bị tận răng và được yểm trợ ở mức tối đa, cũng vẫn phải chịu thiệt hại nặng với 5 lính chết tại chỗ, 17 chết tại quân y viện và 124 bị thương.

Việc quân Giải phóng đánh chiếm và trụ lại trong tòa đại sứ Mỹ tới hơn sáu giờ đồng hồ, đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt.

9 giờ 30 phút sáng ngày 31/1/1968, Tư lệnh lực lượng Mỹ, tướng Westmoreland có mặt ở sứ quán chứng kiến, khu sứ quán thật là hỗn độn, xác người Mỹ và người Việt Nam vẫn nằm ngổn ngang. Nhưng không giống như hầu hết các chiến trường, các nhà báo, các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi.

Tướng Westmoreland muốn che giấu tâm trạng bối rối, đã tuyên bố “không một quân giải phóng nào vào được trong sứ quán. Sứ quán chỉ hư hại nhẹ”, và ông ta báo cáo với Tổng thống Johnson rằng, Mỹ đã làm chủ tình hình, nhưng Johnson đã nói chua chát: “Đối phương đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi!”.

30 năm sau Tết Mậu Thân, năm 1998, người Mỹ đã chủ động xin phá bỏ tòa nhà Đại sứ quán cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phải chăng họ mong muốn xóa đi một hình ảnh không đẹp lẫn đau buồn của một cuộc chiến không có hào quang và một nỗi đau dai dẳng trong lòng đội quân số một thế giới? Nguồn ảnh: TL.

Giải mã Mậu Thân - Bước ngoặt của bước ngoặt. Nguồn: QPVN.

Tiến Minh