Úc quyết 'làm sạch nghị trường'

Người dân Úc biểu tình kêu gọi bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực tình dục. Ảnh: AFP

Theo quy định hiện nay, tất cả đối tượng trên ngoại trừ có thể bị truy tố hình sự về tội tấn công tình dục thì đều được miễn áp dụng những hình thức xét xử khác nếu vi phạm quy tắc về chống quấy rối nơi làm việc. Ngoài ra, một số đề xuất sửa đổi còn yêu cầu phân loại quấy rối tình dục tại nơi làm việc như “hành vi sai trái nghiêm trọng” và coi đây là cơ sở hợp lệ cho quyết định sa thải. Thời gian để nạn nhân khiếu nại cũng được tăng từ 6 tháng lên 2 năm.

Dự kiến, văn bản dự thảo luật sửa đổi có thể được trình lên Quốc hội vào tháng 6 tới. Ðây là một phần nỗ lực của người đứng đầu chính phủ Úc nhằm thực hiện cam kết “làm sạch nghị trường” sau hàng loạt bê bối về lạm dụng, quấy rối tình dục trong chính phủ và nghị viện. Các kết quả khảo sát hồi cuối tháng 3 cho thấy, mức tín nhiệm của Thủ tướng Morrison đang rơi xuống mức thấp nhất sau nhiều tuần chịu áp lực dư luận do phản ứng lạnh nhạt trước các khiếu nại về cách hành xử sai lệch đối với phụ nữ trong giới chính trị.

Vốn chính quyền Morrison đã bị chỉ trích không thực hiện các khuyến nghị trong kết quả điều tra về vấn đề quấy rối tình dục được Ủy viên Chống kỳ thị giới tính Kate Jenkins đệ trình từ đầu năm ngoái. Và trong những tuần gần đây, liên minh bảo thủ Tự do - Quốc gia cầm quyền của ông Morrison tiếp tục đối mặt áp lực sau khi một cựu nhân viên chính phủ công khai tiết lộ việc cô từng bị cưỡng hiếp tại văn phòng một bộ trưởng ở tòa nhà Quốc hội Úc.

Trước làn sóng giận dữ gia tăng vì chính phủ chưa có phản ứng quyết liệt, Thủ tướng Morrison hôm 23-3 rốt cuộc lên tiếng sẽ có biện pháp “đưa quốc hội trở lại trật tự” sau khi các kênh truyền thông lớn ở Úc công bố thông tin kèm hình ảnh về các hành vi dâm ô trong tòa nhà quốc hội, từ một nhân viên chính phủ thực hiện hành vi quan hệ tình dục đơn phương trên bàn của một nghị sĩ cho đến một nghị sĩ bang bị buộc tội cưỡng hiếp gái mại dâm và một nghị sĩ khác xin lỗi vì quấy rối phụ nữ trên mạng.

Hàng loạt lời tố cáo lập tức tạo nên không khí ngột ngạt bao trùm chính phủ, đồng thời châm ngòi làn sóng biểu tình trên khắp nước Úc với hàng chục ngàn phụ nữ xuống đường đòi công lý cho nạn nhân, kêu gọi chính phủ đảm bảo bình đẳng giới và chấm dứt tình trạng xem thường phụ nữ trong môi trường làm việc.

Nhằm trấn an dư luận, Thủ tướng Morrison cuối tháng 3 buộc phải giáng chức Bộ trưởng Tư pháp Christian Porter vốn dính líu cáo buộc cưỡng hiếp một bạn học 16 tuổi hồi năm 1988 và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds vì xử lý không phù hợp cuộc điều tra vụ nữ nhân viên Brittany Higgins (26 tuổi) cáo buộc một đồng nghiệp hiếp dâm cô trong văn phòng tại quốc hội của bà. Ðể giải quyết khó khăn chính trị, ông Morrison còn kêu gọi gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường. Dù vậy, đánh giá của giới phê bình cho rằng sự miễn cưỡng rõ ràng của chính phủ ngay từ đầu đã cho thấy mảng tối về văn hóa nơi làm việc trong Quốc hội Úc vốn nhiều lần bị chỉ trích “độc hại” và là nguyên nhân dẫn đến bắt nạt, quấy rối và tấn công tình dục phụ nữ.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)