VĐV chuyển giới đầu tiên giành huy chương Olympic

Trận chung kết môn bóng đá nữ giữa Canada và Thụy Điển chưa diễn ra, nhưng chắc chắn, tiền vệ Quinn của đội nữ Canada sẽ đi vào lịch sử thể thao thế giới với tư cách VĐV chuyển giới đầu tiên đoạt huy chương tại một kỳ Thế vận hội.

Năm 2016, Quinn cùng đội nữ Canada giành HCĐ tại Olympic Rio. Dù vậy, Quinn chưa công khai danh tính chuyển giới ở thời điểm này. Cô giấu thông tin đó bởi vì trước đây, các cô gái chuyển giới bị cấm tham gia thể thao và phải đối mặt với thành kiến.

Quinn (số 5) chắc chắn có huy chương Olympic.

Năm 2020, tiền vệ này công khai là VĐV chuyển giới. 1 năm sau, cô đạt đến cột mốc có ý nghĩa quan trọng với thể thao Canada cũng như cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới khi chắc chắn có huy chương Olympic, dù Canada thắng hay thua Thụy Điển ở chung kết.

"Tôi là minh họa cho cộng đồng những người chuyển giới trẻ tuổi, những người luôn tự đặt dấu hỏi về giới tính của mình, những người vẫn luôn đi khám phá sự thật về giới tính của mình.

Thật không may rằng khi tôi lớn lên và trải qua quá trình khám phá bản thân, tôi không có những người như vậy ở bên để chia sẻ", Quinn nói với báo giới Canada khi cô công khai là người chuyển giới.

Quinn chơi bóng đá học đường từ khi theo học tại Đại học Duke (2013-2017). Cô trở thành cầu thủ Canada có thành tích cao nhất trong lịch sử NWSL (giải bóng đá nữ nhà nghề Mỹ) khi Washington Spirit đứng thứ ba chung cuộc vào năm 2018.

Hiện cô đang chơi cho OL Reign tại Seattle cùng với Megan Rapinoe - ngôi sao của USWNT (đội tuyển nữ Mỹ) luôn đấu tranh cho quyền bình đẳng giới, trong đó có quyền chuyển giới cùng một số các quyền tiến bộ khác. Được thi đấu tại Thế vận hội, Quinn trở thành hình mẫu cho những thanh niên chuyển giới mà họ hy vọng sẽ trở thành.

Quinn trở thành hình mẫu cho các VĐV thuộc cộng đồng LGBTQ+.

Ở Olympic Tokyo, Quinn là một trong ít nhất ba VĐV chuyển giới hoặc phi giới tính đang thi đấu. VĐV cử tạ Laurel Hubbard (New Zealand) thi đấu ở hạgn cân 87kg dành cho nữ hôm thứ Hai (2/8) nhưng không giành được huy chương. Alana Smith, VĐV trượt ván phi giới tính, đã đứng thứ 20 chung cuộc ở vòng loại nội dung dành cho nữ.

Không chỉ có Quinn, câu chuyện của Hubbard cũng gây ra tranh cãi. Trước thềm Thế vận hội 2020, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã cho phép Liên đoàn Cử tạ Quốc tế đặt ra tiêu chuẩn cho các vận động viên chuyển giới và Hubbard đáp ứng tất cả các yêu cầu. Tuy nhiên, sự hiện diện của cô ấy tại Thế vận hội đã gây ra phản ứng trái chiều.

Một quan chức tham gia sự kiện đã đề xuất ban tổ chức Olympic nên tạo ra một nội dung thi riêng dành cho các VĐV chuyển giới. Tại nội dung thi trượt ván, Smith thi đấu với tấm bảng tên có chữ "they" (đại từ nhân xưng thường được dùng bởi một số VĐV thuộc cộng đồng LGBTQ+).

Tuy nhiên, các đài truyền hình vẫn sử dụng đại từ nhân xưng được cho là không đúng với bản chất giới tính của Alana khi gọi là "cô".

Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho VĐV chuyển giới trong thể thao còn rất dài. Dù vậy, chiến tích của Quinn là sự khích lệ tinh thần rất lớn.

Quinn cùng đội nữ Canada đang có kỳ Olympic đáng nhớ.

"Tôi cảm thấy tự hào khi thấy 'Quinn' có mặt trong đội hình và giành được sự công nhận. Tôi cảm thấy buồn khi biết có những VĐV Olympic trước đâykhông thể sống thật với mình vì những định kiến. Tôi lạc quan với những thay đổi đang có ở những cơ quan lập pháp, thay đổi về quy tắc, cấu trúc và tư duy. Tôi cảm nhận được thực tế diễn ra thế nào.

Các VĐV nữ chuyển giới bị cấm chơi thể thao. Những phụ nữ chuyển giới bị phân biệt đối xử, đối diện với thành kiến khi cố gắng theo đuổi giấc mơ Olympic. Cuộc chiến ấy chưa hạ màn đâu. Tôi sẽ ăn mừng ở thời khắc tất cả chúng ta cùng có mặt ở đây", Quinn viết trên Instagram.

Cách đây 1 tháng, IOC cho biết có kế hoạch áp dụng bộ hướng dẫn quy tắc mới liên quan đến việc phụ nữ chuyển giới thi đấu ở các sự kiện thể thao, thay cho bộ quy tắc cũ đã lỗi thời.

Theo báo cáo của Outsports vào tháng 7, có ít nhất 180 VĐV thuộc cộng đồng LGBTQ+ đang thi đấu tại Olympic Tokyo, nhiều hơn gấp ba so với con số 56 ở Olympic Rio 5 năm trước.

Song, không phải VĐV nào cũng may mắn được chào đón như Quinn, khi cô được tuyển nữ Canada chấp nhận, tôn trọng. Tháng 6 vừa qua, toàn đội đã tặng Quinn một chiếc áo đấu với số 5 in hình cầu vồng lục sắc ở phía sau. "Họ chấp nhận thay đổi của tôi. Tôi yêu họ vì điều đó", Quinn nói.

Dù tấm huy chương trên cổ Quinn sau trận tối nay là vàng hay bạc, cô cũng đã tạo nên sự khích lệ lớn cho các VĐV LGBTQ+ đứng lên khẳng định bản thân mình.

Hồng Nam