Về vụ Mỹ đoạt Pantsir-C1: Ví dụ về chiếc Mercedes

Trong ảnh: Hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-C1 của Nga(Ảnh: Anton Novoderezhkin / TASS)

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jessica McNulty tránh trả lời trực tiếp câu hỏi của báo chí về vụ Mỹ bắt cóc hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1E của Nga ở Libya.

Đồng thời, bà cũng thừa nhận rằng cơ quan quân sự Hoa Kỳ đã biết về việc tờ The Times của Anh đăng bài, miêu tả chi tiết về chiến dịch này. Liệu tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga có bị mất bí mật liên quan đến hệ thống phòng không?

Theo ấn phẩm của Anh, tổ hợp "Pantsir-C1", trước đây thuộc Quân đội Quốc gia Libya của Thống chế Khalifa Haftar, đã được lực lượng đặc biệt đưa ra khỏi chiến trường và chuyển giao bằng máy bay vận tải C-17A Globemaster III cho căn cứ quân sự "Ramstein" của Mỹ ở Đức. Đây là hệ thống phòng không của Nga do Libya nhận được từ UAE.

Lý do chiếm hệ thống phòng không của Nga, đưa ra khỏi Libya được người Mỹ công bố là do lo ngại vũ khí sẽ rơi vào tay quân khủng bố chỉ là một phần của sự thật.

Nhiều khả năng Lầu Năm Góc muốn nghiên cứu kỹ lưỡng tổ hợp này: về vật liệu, nguyên lý hoạt động, phần mềm của nó. Và thông tin này sau đó có thể được người Mỹ và đồng minh của họ sử dụng để chống lại Nga.

Các hệ thống "Pantsir" đã hoạt động tốt ở Libya và Syria. Nhưng cũng có những trường hợp đối phương phá hủy được các hệ thống phòng không của Nga. Các máy bay không người lái tấn công “Baitakar” của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho chúng. Báo chí gọi những chiếc UAV này là "sát thủ của "Pantsir"".

Có ít nhất ba loại cấu hình cho hệ thống phòng không trên bộ. Cấu hình cũ có thể thấy ở các quốc gia Arab. Cấu hình gần đây hơn có một trạm phát hiện mục tiêu mới nằm trên radar có hình dạng khác. Và cấu hình mới nhất, được trình diện vào năm ngoái, các tên lửa khác cũng được sử dụng. Ở Libya, có phiên bản cũ - "Pantsir-C1", được sản xuất vào khoảng giữa những năm 2000.

Các hệ thống phòng không này đã được chuyển giao cho UAE, cho các tiểu đoàn phòng không ở khu vực Moscow và có thể ở một vài nơi khác. UAE, do muốn hỗ trợ cho các tổ chức thân tín của mình ở Libya, nên đã cung cấp "Pantsir" cho họ. Một trong số chúng đã bị máy bay không người lái phá hủy hơn một năm trước. Và bây giờ hệ thống tên lửa phòng không này đã bị lấy và mang đi.

Điều thú vị là: UAE là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Làm thế nào họ có được hệ thống phòng không của Nga?

Được biết, "Pantsir" được tạo ra chủ yếu bằng tiền của UAE. Trước đây, có một dự án khá cũ là tạo ra một hệ thống phòng không cho những cuộc đổ bộ - một phiên bản hạng nhẹ của "Tungusski", nguyên mẫu của "Pantsir".

Nhưng vào những năm 1990, khi nguồn vốn của khu liên hợp công nghiệp-quân sự của Nga rất khan hiếm, nên người ta đã nảy sinh ý tưởng thực hiện dự án bằng tiền của khách hàng nước ngoài và đương nhiên là phải phục vụ lợi ích cho khách hàng.

Và đây không phải là trường hợp duy nhất. Ví dụ, Trung Quốc, khi mua máy bay Su của Nga, đã cứu được Nhà máy Hàng không Irkutsk. Ngành sản xuất tàu ngầm cũng sống sót được theo cách tương tự.

Điều này cũng xảy ra với việc phát triển của "Pantsir". Việc hoàn thiện hệ thống phòng không này do UAE tài trợ và sau đó họ đã nhận được các tổ hợp này vận hành trên các khung gầm MAN bốn cầu của Đức.

Chuyên gia quân sự, đại tá dự bị Viktor Litovkin không có ý định thổi phồng nguy cơ mất bí mật. Ông nói:

- Không có gì đáng ngại khi người Mỹ chiếm được "Pantsir" của chúng ta. Khi chúng ta cung cấp vũ khí, thiết bị ra nước ngoài, chúng tôi luôn ghi nhớ rằng nó có thể rơi vào tay kẻ xấu.

Không thể tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay cả Algeria cũng vậy. Rõ ràng, họ là bạn của Mỹ và họ có thể bán chúng để lấy tiền. Do đó, tính chất kỹ chiến thuật của hệ thống phòng không được xuất ra nước ngoài sẽ “đơn giản” hơn, so với những vũ khí trang bị cho quân đội trong nước.

Ông Viktor Litovkin còn cho biết thêm: Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ không quá nguy hiểm đối với "Pantsir". Hệ thống phòng không của Nga có thể dễ dàng bắn hạ chúng. Bất cứ thứ gì bay ở độ cao 10-12 km và trong bán kính vài chục km đều có thể bị tiêu diệt.

Khác với tên lửa Patriot tương tự của Mỹ, vốn không thể đối phó với cuộc tấn công của Houthi vào nhà máy dầu của Ả Rập Xê Út, vì nó không thể hoạt động với các mục tiêu bay thấp.

Nhưng để bắn hạ mục tiêu, các binh sỹ trực ban phải thường xuyên cảnh giác, theo dõi tình hình trên không. Và nếu ai đó ngủ quên, tắt radar của hệ thống phòng không, rồi sau đó tự hỏi tại sao mình bị bắn trúng, thì không còn gì để nói nữa. Đây là trường hợp đã xảy ra ở Libya, nơi các binh lính Ả Rập hoặc là ngủ gật hoặc đang ra ngoài làm việc riêng gì đó.

“Pantsir” có chế độ theo dõi điều khiển bằng tay và chế độ tự động. Nhưng tính quyết định để hạ mục tiêu vẫn chủ yếu là do con người thực hiện. Người ta có thể không biết cái gì đang bay đến. Có thể là một con đại bàng chẳng hạn.

- Vì vậy cần phải suy tính một cách bình tĩnh hơn. Việc "Pantsir" rơi vào tay người Mỹ không có nghĩa là bây giờ phải ném chúng vào sọt rác.

Còn một ví dụ nữa ... Khi chúng tôi (Nga-ND) chia tay với Ukraine và bắt đầu thiết lập việc sản xuất thiết bị quân sự và các phụ kiện khác ở Nga, nhiều việc phải được thực hiện lại từ đầu, mặc dù đã có bản vẽ và tất cả các thông tin cần thiết.

Rõ ràng là, mọi thứ đều ảnh hưởng đến đặc tính, đến chất lượng của quặng được sử dụng để nấu chảy kim loại. Vì vậy người Mỹ sẽ khó mà bắt chước được chúng ta.

Ngược lại, đối với Nga cũng đã từng xảy ra điều đó. Trong bảo tàng ở Kubinka, có những chiếc xe tăng Mỹ mà chúng ta đã kéo về từ Ai Cập, từ Iraq.

Sergey Sudakov, giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự, cho biết: “Ngay cả khi người Mỹ thực sự chiếm được hệ thống phòng không của chúng ta, cũng rất khó để có thể tìm hiểu cách thức hoạt động của nó, nhất là để tái tạo lại”.

- Có thể hiểu đơn giản bằng ví dụ về ngành công nghiệp ô tô. Bạn có thể mua một chiếc Mercedes một cách công khai, nhưng khó có thể sản xuất ra một chiếc xe khác có chất lượng tương đương.

Các thiết bị quân sự do Nga cung cấp để xuất khẩu có những đặc điểm khác, giảm bớt một số tiêu chí. Cũng giống như xe ô tô của Nhật hay xe Hàn Quốc đối với thị trường trong nước và nước ngoài là khác nhau. Chúng tôi luôn đề phòng trường hợp vũ khí của mình có thể bị rơi vào tay đối phương nên đã có biện pháp xử lý từ trước.

NguynQuang(Theo “Bình luận quân sự” Nga)