Việt Nam đăng cai nội dung bắn tỉa tại Army Games 2021

Thượng tướng I.A.Buvaltsev, Tổng cục trưởng Tổng cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, nước tổ chức các kỳ Army Games, chủ trì hội nghị trực tuyến. Phía Việt Nam do Thiếu tướng Trần Văn Ba, Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu làm trưởng đoàn tham dự hội nghị.

Lính bắn tỉa Việt Nam.

Army Games 2021 sẽ diễn ra từ ngày 22/8 đến 4/9. Ngoài Nga, hiện nay có 12 nước đăng cai đồng tổ chức Army Games 2021, gồm: Armenia, Algeria, Belarus, Iran, Ấn Độ, Kazakhstan, Qatar, Trung Quốc, Mông Cổ, Serbia, Việt Nam và Uzbekistan. Trong tổng cộng 34 nội dung thi đấu tại Army Games 2021, LB Nga đăng cai tổ chức 13 nội dung, Việt Nam 2 nội dung, Trung Quốc 3 nội dung, Mông Cổ 2 nội dung…

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Văn Ba thông tin về công tác chuẩn bị cho 2 môn thi Cứu hộ cứu nạn và Bắn tỉa được tổ chức tại Việt Nam, gồm: Các hoạt động đón, tiễn, nơi ăn ở, sinh hoạt cho vận động viên; cơ sở vật chất phục vụ cho thi đấu; thể lệ, quy chế của từng môn thi… Thiếu tướng Trần Văn Ba bày tỏ mong muốn các nước tham dự hội nghị hôm nay cử đội tuyển tham gia các môn thi tại Việt Nam.

Được biết, lực lượng bắn tỉa của Quân đội Việt Nam được đánh giá khá tối tân với vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau. Mới đây, trong phóng sự về công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu tại Trung đoàn Gia Định thuộc Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh trên kênh QPVN, lực lượng bắn tỉa Việt Nam khiến giới phân tích quân sự ngạc nhiên với khẩu WKW Wilk - mẫu súng trường bắn tỉa hạng nặng chuẩn NATO do Ba Lan phát triển.

Sở dĩ điều này trở nên đặc biệt là vì đây là mẫu súng bắn tỉa hạng nặng NATO duy nhất có trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện tại, bởi từ trước tới nay lực lượng bắn tỉa Việt Nam hầu hết đều sử dụng các dòng súng bắn tỉa do Liên Xô, Israel hoặc do trong nước tự chế tạo.

Việc đa dạng hóa nguồn cung các loại khí tài chuyên dụng như súng bắn tỉa được xem là bước đi phù hợp của Quân đội ta trong việc nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị tác chiến đặc biệt mà trong số đó có lực lượng bắn tỉa.

Như vậy trong trang bị của Quân đội ta hiện nay có ít nhất ba mẫu súng bắn tỉa hạng nặng sử dụng đạn 12.7mm gồm: SBT12 M1 (trong nước tự chế tạo theo mẫu KSVK), OSV-96 (Nga) và WKW Wilk (Ba Lan).

Về súng bắn tỉa hạng nặng WKW Wilk, đây là sản phẩm do công ty quốc phòng Zakłady Mechaniczne Tarnów của Ba Lan phát triển dành cho Quân đội nước này, trên thế giới hiện tại chỉ có ba quốc gia sử dụng WKW Wilk là Ba Lan, Việt Nam và Saudi Arabia. Theo như nhà sản xuất WKW Wilk thì Việt Nam đã mua 50 khẩu súng bắn tỉa loại này.

Khẩu WKW Wilk của Việt Nam.

Giống như nhiều mẫu súng bắn tỉa hạng nặng khác WKW Wilk sử dụng thiết kế dạng bullpup - tức hộp tiếp đạn phía sau cò súng, có ưu điểm giúp tăng chiều dài nòng súng mà không ảnh hưởng đến chiều dài tổng thể.

Tuy nhiên, chiều dài nòng của WKW Wilk vẫn ngắn hơn so với mẫu súng SBT12 M1 do Việt Nam chế tạo có thiết kế tương tự, 880mm so với 1.000mm. Khẩu WKW Wilk có trọng lượng chiến đấu hơn 16kg bao gồm cả hộp tiếp đạn và ống ngắm quang học PMII 12-50x56, súng sử dụng khóa nòng trượt cùng hộp tiếp đạn rời 7 viên cỡ nòng .50 BMG (12,7×99mm NATO).

Tầm bắn hiệu quả của WKW Wilk vào khoảng 1.500m và tối đa lên đến 3.000m, sơ tốc đầu đạn của súng có thể đạt 882m/s. Với đạn tiêu chuẩn .50 BMG, một xạ thủ bắn tỉa với WKW Wilk hoàn toàn có thể gây thiệt hại nặng cho các phương tiện chiến đấu bọc thép của đối phương.

Một ưu điểm khác của WKW Wilk so với các mẫu súng bắn tỉa cùng loại là việc nó được trang bị ống ngắm quang học Schmidt & Bende PMII 12-50x56 với độ phóng đại 12X ở cự ly 2.000 m với tiêu cự cố định cho độ chính xác cao.

Mặc dù là mẫu súng bắn tỉa ít tên tuổi thế nhưng năng lực chiến đấu của WKW Wilk đã được chứng minh trong suốt thời gian nó tham chiến tại Afghanistan trong trang bị Quân đội Ba Lan. Việc WKW Wilk có thể hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt như ở chiến trường Afghanistan đã cho thấy đây là mẫu súng đáng tin cậy, bền bỉ và hiệu quả.

Tuấn Vũ (theo QĐND)