Vĩnh Phúc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Yên Bái. Ảnh: ĐĂNG KHOA

5 tháng đầu năm 2021, cùng với những thành quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh (SXKD) của tỉnh Vĩnh Phúc có mức tăng khá so cùng kỳ năm 2020. Toàn tỉnh sản xuất được 27.048 xe ô -tô các loại, tăng gần 51%; gần 630 nghìn xe máy các loại, tăng hơn 7%; 2.674 triệu kWh điện thương phẩm, tăng gần 20%; hơn 134 nghìn tấn thức ăn gia súc, tăng hơn 7,7% … Hết tháng 5, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 93.500 tỷ đồng, tăng 6,18%; nợ xấu là 510 tỷ đồng, giảm 4,85% so tháng 12-2020, chiếm tỷ lệ 0,55% trên tổng dư nợ.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD, tạo đà tăng trưởng kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên khuyến khích hoạt động SXKD, dịch vụ, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh thu hút vốn FDI và đầu tư xã hội. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc duy trì thực hiện tốt việc kết nối với doanh nghiệp; chủ động cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp đổi mới quy trình theo hướng đơn giản hóa thủ tục. Cục Thuế tỉnh triển khai các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Sở Tài chính phối hợp Cục thuế tỉnh tăng cường quản lý, điều hành chi ngân sách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh công tác quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung hoàn thiện các chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động,…

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 1,5 triệu lượt khách, trong đó có 400 nghìn lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm; doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, tăng bình quân 26%/năm, tạo việc làm cho hơn 12.500 lao động… Hiện, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng tạo chuyển biến mạnh từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch, về ý thức xây dựng hình ảnh, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư, nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Yên Bái. Tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân tham gia kinh doanh, dịch vụ du lịch; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Tỉnh tăng cường hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh; mua sắm thiết bị gom rác thải tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng; có chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển tài nguyên du lịch…

Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái thu hút được hơn ba triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,3%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 19,6%/năm, tạo việc làm cho gần 8.000 lao động. Tỉnh cũng đã thu hút được 16 dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 cơ sở lưu trú từ đạt tiêu chuẩn đến ba sao và hàng trăm hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho thuê. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhưng tỉnh vẫn thu hút hơn 760 nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng.