Vợ chồng nói lời cảm ơn: Tình cảm hay khách sáo?

Lời ngợi khen chân thành

Tôi để ý, suốt buổi nói chuyện, My không hề than thở về chồng như những phụ nữ “chỉ cần có người nghe là kể tội chồng”. Trong bữa ăn cũng vậy, tôi thấy hai vợ chồng không ngớt lời khen nhau.

Bất cứ món ăn nào lên mâm, My đều thử trước và thốt ra lời ngợi khen: “Món này ảnh đi ăn ở khu Thảo Điền rồi về làm lần đầu đó, mà công nhận ngon hơn cả nhà hàng”. Đến món khác, cô ấy lại khen tiếp: “Em thấy anh chọn loại thịt bò này mềm, ngon đó anh!”.

Thỉnh thoảng, chồng My cũng thốt lên những câu ngợi khen vợ, như: “Vợ anh mà làm nước chấm là số 1”. Rồi ở một câu chuyện quá khứ được bạn bè khơi lại, giọng anh có chút bùi ngùi khi nhắc đến hoài niệm: “Hồi đó, anh nằm viện cả tháng, may mà có My bên cạnh…”.

Cứ như vậy, tôi cảm nhận được sự hài lòng, biết ơn của cả hai vợ chồng dành cho nhau. Những câu nói rất tự nhiên, không mang lại cảm giác khách sáo với người nghe. Có lẽ, bởi những lời nói đó bật ra từ tận sâu bên trong họ. Trong nhóm, My cũng là đứa có hôn nhân hạnh phúc nhất. Từ lúc lấy chồng đến nay đã ngót chục năm mà chẳng nghe bất cứ lục đục nào. Phải chăng bằng cách nói lời cảm ơn, biết ơn nhau là bí quyết giúp hôn nhân của họ hạnh phúc?

Đến khi chồng My xin phép lên phòng nghỉ, còn lại các cô gái, chúng tôi bắt đầu sôi nổi với đề tài vợ chồng có nên nói lời cảm ơn và thể hiện sự biết ơn nhau qua hành động và cả lời nói?

Xuân - một thành viên trong nhóm, trề môi bảo, hồi nào đến giờ, cô chưa bao giờ nói lời cảm ơn chồng mình, vì cứ ngượng miệng thế nào. Với lại, chẳng biết quan niệm từ đâu, cô ấy cho rằng giữa những người thân thiết với nhau mà nói lời cảm ơn thì biến thành khách sáo. Xuân còn khẳng định, đó là tùy vào tính cách mỗi người, chứ một người như cô ấy, đột nhiên thốt ra lời cảm ơn với người thân bên cạnh, chắc chắn họ nghe cũng thấy không quen.

Còn Oanh - cô em nhỏ tuổi nhất trong nhóm thì nhiệt liệt ủng hộ chuyện thể hiện lòng biết ơn qua lời nói, không chỉ trong mối quan hệ hôn nhân mà với bất cứ mối quan hệ nào khác. Điều đó trở thành lối sống của cô ấy.

Lòng biết ơn cứu rỗi mối quan hệ

Có những mối quan hệ trên bờ vực thẳm, nhưng đã được “cứu rỗi” bởi người trong cuộc biết nhìn vào những điểm tích cực của đối phương, thay vì mãi phàn nàn những chuyện không như ý.

Tình cảm vợ chồng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chị Mai - một đồng nghiệp của tôi ở độ tuổi trung niên, chia sẻ, chồng chị là người đàn ông kiệm lời. Cả ngày cuối tuần ở nhà, có khi anh ấy chỉ nói đúng một tiếng “ừ”. Nói gì hay hỏi gì, anh ấy cũng chỉ thốt đúng ra câu ấy. Bình thường thì không sao, nhưng khi có chuyện cần trải lòng muốn có người nghe, cho ý kiến, rồi chỉ nhận lại tiếng “ừ, à, vậy à, thế cũng được”… chị phát cáu.

Cho đến một lần, chị trực tiếp chứng kiến cảnh ười chồng hàng xóm vừa mắng xối xả vừa lao vào đánh vợ. Giữa lúc anh chồng tung ra những cú đấm, đạp với tất cả sức lực lên người phụ nữ mà bao nhiêu người can ngăn không được ấy, chị vô tình chạm phải ánh mắt hoảng sợ của cậu con trai lên 6 vừa đi học về.

Cậu bé gào lên thảm thiết: “Bố đừng đánh mẹ”, ánh mắt bi thương ấy vừa hoảng hốt, vừa van xin. Chị biết hình ảnh đau lòng ấy sẽ hằn sâu trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ, có khi đến hết cuộc đời, chưa kể sẽ còn ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ khi trưởng thành. Chị đã ám ảnh khi nhìn vào ánh mắt của cậu bé.

Sau khi sự việc được dàn xếp, chị trở về căn hộ mình, thấy anh đang lặng lẽ dọn bàn ăn. Chị ôm lấy anh từ phía sau, sự cảm động dâng trào đến nghẹn ngào. Phải ít phút sau, chị mới nói được điều muốn nói với chồng: “Cảm ơn anh đã mang lại tổ ấm bình yên cho chúng ta”.

Chị không nói được thêm nữa vì nỗi xúc động dâng trào. Hóa ra, người đàn ông mà chị chê “nhạt như nước ốc”, “nói chuyện với đầu gối còn thích hơn”, người chẳng bao giờ biết nói lời yêu thương với chị, lại chưa một lần to tiếng hay gây tổn thương cho chị và hai đứa trẻ nhà chị, như hình ảnh đau lòng mà chị vừa thấy.

Nghe được câu cảm ơn trong nỗi nghẹn ngào xúc động của vợ, anh cũng có chút lạ lẫm, nhưng sau đó thì choàng lấy vai vợ, để cho bờ vai chị bình yên tựa vào. Chị nói, sau lần cảm ơn ấy, anh cởi mở hơn, lắng nghe chị nói và cũng chia sẻ với chị nhiều hơn.

Tôi nhớ có lần My kể, tất cả những biến cố xảy ra với cô ấy, từ bố mất, người anh trai mất, chồng My luôn là người ở bên cạnh vực dậy cô ấy, và lo toan mọi thứ trong gia đình vợ. Cô ấy luôn biết ơn vì những điều đó. Cho nên dù hai vợ chồng có xảy ra bất cứ chuyện gì, chỉ cần khơi lại lòng biết ơn dành cho chồng thì chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không.

Không ít người chung ý nghĩ rằng đã thân thiết với nhau, người một nhà rồi thì việc gì phải cảm ơn nhau. Lời cảm ơn chỉ dành cho những mối quan hệ ngoài xã hội. Nhưng thực chất, lời cảm ơn rất xứng đáng dành cho người thân bên cạnh, khi họ nấu cho mình bữa ăn, thay mình đi đón con, hay chỉ là giữ cho nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, tinh tươm…

Lời cảm ơn có sức mạnh mà nhờ đó, đối phương cảm nhận được sự sẻ chia, yêu thương dành cho mình, đó cũng là nguồn động lực để họ vượt qua mỏi mệt. Để từ đó, họ luôn muốn gieo nhiều hơn nữa những hạt giống tốt lành trên mảnh đất hôn nhân của mình.

Vậy thì, chồng hay vợ cũng đừng xem những việc mà người kia làm mỗi ngày là hiển nhiên. Thay vào đó, hãy biết dùng lời cảm ơn để mối quan hệ ngày càng bền chặt, và khi ấy sẽ mở ra cánh cửa hạnh phúc mà bạn xứng đáng có được.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG