Bánh xèo vỏ

Qui Nhơn quê tôi có nhiều món bánh ăn buổi sáng ngon: bánh hỏi, bánh ướt, bánh bèo, bánh xèo tôm nhảy, nhưng tôi thích nhất món bánh xèo vỏ (loại bánh đúc bằng gạo nguyên chất, không có nhân).

Bánh xèo vỏ đúc mỏng tang, nóng hôi hổi, chấm với mắm cái (loại mắm làm bằng cá cơm than), dằm với mấy trái ớt hiểm (ớt xanh), cay xé họng. Thế mới đã! Một ngàn đồng hai chiếc, tôi ăn một lúc 10.000 đồng mà vẫn còn thòm thèm. Bà Tám nhìn tôi cười, miệng chẳng còn cái răng nào, toàn lợi là lợi, móm hóp. Bà nói: xấp nhỏ nhất là mấy đứa sinh viên ưa loại bánh này lắm, vừa rẻ, vừa dễ ăn, mỗi lần chúng tới cứ giục rối lên, làm tôi đúc không kịp, chúng gào lên như mắc đền: ngoại ơi, nhanh lên tụi con đói quá! có lần tôi đúc không kịp nên đỗ quạu: bọn bay có nôn thì qua quán bà Hai kìa. Bả ngồi đập ruồi đó! Nói là nói vậy chớ tôi cũng làm cho chúng ăn để còn tới lớp kịp giờ. Đoạn bà quay lại tò mò hỏi: Hình như cô không phải người ở đây? Dạ, con quê xứ Nẫu mà thím, nhưng con ở xa, lâu lâu về thăm thằng con trai. Con ưa loại bánh xèo vỏ này lắm, nhưng con bị huyết áp cao thành ra không dám ăn với mắm cái. Ừ, loại mắm này kỵ huyết áp lắm, ăn phải nó huyết áp lên vù vù chạy không kịp đó. Nhưng nghiệt nỗi bánh xèo vỏ này mà chấm loại mắm khác không ngon.

Sáng nào tôi cũng ra quán bà Tám, ăn riết rồi quen với bà luôn. Có gì bà cũng tâm sự như người quen lâu ngày gặp lại. Tôi bán bình dân nhưng sạch sẽ ai cũng muốn tới ăn, giọng bà nhỏ nhẹ, thế mà có người cũng ganh ghét đó cô. Thật buồn! Ở đời mà thím, thôi thím đừng nghĩ làm gì cho mệt thân. Nếu họ muốn khách tới đông thì họ phải nghĩ cách làm sao để kéo khách chớ. Vậy thôi! Ừ cô nói cũng phải, tôi nghe cô!

Hoàn cảnh của bà Tám thật éo le. Chồng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Bà có ba người con, hai đứa con trai đi bộ đội hy sinh cả hai, còn lại duy nhất đứa con gái tật quyền do chất độc da cam. Hỏi bà có được xét Bà mẹ Việt Nam anh hùng không? Bà kể: mấy ông cán bộ phường cũng làm danh sách nhưng giấy tờ hai đứa con hi sinh thất lạc đâu mất, mấy đứa đơn vị của nó giờ biết tìm đâu ra. Vì thế các ổng nói trường hợp của bà phải chờ để xem xét. Ôi, giấy tờ lằng nhằng, lên xuống mất công, mất việc mà không xong, nên tôi dẹp luôn. Giờ con tôi mất hết, lấy cái bằng để làm gì? Thôi khi nào được thì mấy ổng kêu mình lên nhận, giờ phải lo làm để có tiền nuôi con nhỏ chớ. Nó cũng ngót nghét 40 tuổi rồi còn gì. Bà dẹp khuôn bánh xèo rồi dẫn tôi về nhà chơi. Gọi là nhà cho sang chớ đó chỉ là một cái phòng khoảng 20 mét vuông ở tận trong hẻm gần chợ Đầm. Cô ÚT đang nằm ở cái phản duy nhất trong nhà. Thấy có khách cô lết lại, đưa tay rờ rẩm tôi như thể tôi là người từ hành tinh rơi xuống vậy. Chị có nước da đẹp quá, chị xoa kem gì mà nước da chị bóng mượt thế, mùi nước hoa gì mà thơm dễ chịu ghê. Cho em tí xíu được không? ÚT không đợi tôi trả lời mà cứ hỏi liên tục. Từ đó cứ mỗi lần ăn bánh xèo xong, tôi ghé vào thăm ÚT. ÚT lại tiếp tục nói: hôm nay em thấy chị đẹp ngời. Già rồi mà đẹp cái nỗi gì, tôi cười rồi lục túi lấy hộp kem, lọ nước hoa cho ÚT như đã hứa. ÚT mừng rỡ đưa tay đón nhận món quà của tôi, mắt em sáng long lanh, miệng cười chúm chím. Bà Tám thấy vậy nói xen vào: người ngợm vậy mà ưa diện lắm. Thấy ai có gì cũng xin, đỏm dáng lắm. Đó là tật nguyền chớ có đủ chân tay như nẫu có lẽ cũng làm dáng ra phết đó cô. Bà cười móm mém. Nói cô hay, cũng yêu rồi nghen. Yêu tầm phào hà, yêu đơn phương thôi, chớ ai họ để ý nó. Để tôi kể cô nghe. Một gã đàn ông ở khu Một đi ngang qua nhà và ghé vô xin ngụm nước. Con ÚT cười tươi, nó lê lại mời gã vô nhà uống nước. Gã sà vô thấy con ÚT ở nhà một mình. Hôm đó tôi đi chợ. Hắn tới gần sờ sẫm con bé. Con bé tưởng hắn yêu nó. Gã nổi cơn, nói lời khen con bé, rằng khuôn mặt em thật xinh, chỉ tội cái chân bị liệt, để hôm nào anh mua cho em cái xe lăn. Rồi giọng gã tiếp: em đeo cái vòng gì đẹp thế. Út lấy ra đưa cho chả coi, nhìn quanh không thấy ai gã dông tuốt. Tôi về thấy nó khóc, đầu tóc bù xù, gặng mãi nó mới kể: Thằng chả nó hôn con má ơi. Sao con để nó hôn. Thích mà! Đúng là con khùng. Thế sao cái vòng mất? Chả nói đưa chả coi, đổi bằng cái hôn. Út khóc tấm tức. Tôi chết nghẹn, thương con bé nhiều hơn trách nó, sao có loại đàn ông đê tiện thế, mất nhân tính con người, nhằm ai chớ nhằm con bệnh mà lừa, như ở đường Ngô Mây năm nào, có con khùng suốt ngày đi lang thang hết ngỏ này, chợ nọ, vậy mà có thằng chả nào đó cũng đè nó ra thỏa mãn dục vọng, hậu quả con bé mang bầu, đẻ con ra nhỏ xíu như con mèo, xách đi khắp nơi, thật tội nghiệp. Mà con ÚT nhà tôi nó cũng thích đàn ông lắm cô. Nói cô đừng cười, nó nói nó muốn có chồng. Ai lấy nó hả trời. Tôi nghĩ mãi không ra, nếu sau này tôi chết đi thì số phận nó ra sao đây? Mà biết đâu nó có chồng, chồng nó cũng bao bọc chớ chẳng lẽ bỏ rơi nó na cô. Đêm đêm tôi khấn phật cho nó có một tấm chồng, có một đứa con để dựa dẫm khi tuổi về già. Bà lại thăn thỉ: có khi nào điều kì diệu đến với con bé không hả cô?

Út bỏ hũ kem và lọ nước hoa, thỏi son vào cái túi nhỏ có quai xách tay. Khi nào ảnh tới là em xoa… ÚT ngước mắt nhìn tôi nói như khoe mình đã có bạn trai mới. Một cảm giác lâng lâng bất chợt xô tới trong tôi: thương Út quá! Theo lời kể của bà Tám: khi đẻ hai người con trai thì không có bị gì, bọn chúng vẫn phát triển như bao đứa trẻ khác, nhưng khi đẻ con Út, lúc đầu cũng không có dấu hiệu gì bất thường, đến tháng thứ 6 tự nhiên chân tay nó biến dạng, không đi được. Nhớ hồi ấy ông nhà tôi ở vùng núi Kim Sơn, giọng bà chậm rãi, địch rải chất diệt cỏ rào rào như mưa. Nhìn con bé sống dặt dẹo mà lòng tôi như đứt tùng khúc ruột cô ơi! Hỏi Út có được tiền chất độc da cam không? Cũng có khoảng 800 ngàn đồng. Số tiền ấy tôi không dám tiêu, tôi để dành gởi vào sổ tiết kiệm để mai kia lỡ tôi có mệnh hệ gì, nó có tiền mà sống chớ. Giờ mẹ con chỉ trông cậy vào mấy cái lò bánh xèo vỏ này thôi. Khuôn mặt bà bạnh ra, những nếp nhăn hằn sâu, bởi lo âu, day dứt về đứa con gái tật quyền của mình. Còn Út, em vô tư, chẳng hề nghỉ gì ngoài khát vọng được yêu, được bảo bọc. Út đâu biết rằng cuộc đời này kẻ sống toan tính rất nhiều, còn người có tấm lòng tốt, thấu hiểu những hoàn cảnh như Út còn rất ít, chỉ có má là người thương Út hơn ai hết mà thôi. Tôi đọc trong mắt em nỗi khát khao cháy bỏng ấy, em luôn tin mình sẽ có tình yêu trong sáng như bao người con gái cùng lứa khác. Nhìn Út tôi chạnh nhớ những ngày chiến tranh mà tôi từng nếm trải, hồi ấy, năm 1972, cuộc chiến tranh thật ác liệt, tôi nằm điều trị cái chân tại bệnh xá huyện Phù Mỹ, do bác sĩ Hường phụ trách. Hàng ngày bệnh xá đón nhận biết bao ca thương của các chiến sĩ từ xã, huyện, Tỉnh và sư đoàn Ba (sư đoàn Sao Vàng ). Tôi nhớ như in, có một chiến sĩ của Sư đoàn Ba nhập viện trong tình trạng vết thương toàn thân rất nguy kịch. Bác sĩ Hường đón nhận và lắc đầu. Hy vọng mỏng manh. Người chiến sĩ ấy rất trẻ, khoảng 22 tuổi, người Hà Nội. Một cô y tá được phân công túc trực bên anh, anh nằm bất tỉnh, chốc chốc đôi mắt anh hé mở, ngây dại nhìn cô y tá đăm đăm, miệng anh mấp máy, cô y tá lại gần, ghé tai sát mặt anh, giọng anh thều thào trong hơi thở yếu ớt: Em... hãy hôn anh được không? Cô y tá khóc ròng, ôm anh thật chặt và đặt môi mình lên môi người chiến sĩ ấy, mắt anh sáng lên và từ từ nhắm lại… Cả phòng bệnh lặng đi, ai cũng khóc. Họ chôn anh ở con suối nhỏ gần bệnh xá, ngày ngày thay nhau thắp nhang cho anh. Cũng như Út, cô không nghĩ đến hình dạng của mình nhiều mà trong tim cô luôn trào dâng một thứ tình yêu của một người con gái đầu đời. Bà Tám kể: Nó có một cái gương tí xíu bọc trong túi quần. Sáng nào nó cũng chải tóc, soi gương, làm dáng, có lần nó hỏi tôi: cái mặt con giống ba hay má? Giống ba mày! Còn nụ cười xinh ơi là xinh giống ai? Giống má! Hồi trẻ má cũng đẹp lắm há. Ừ! Cái chân, cái tay con vầy là do chất độc da cam hả má? Ừ! Tội nghiệp! Nó ước ao được làm người bình thường như bao cô gái khác...

Hôm nay tôi lại ra ăn bánh và ghé qua nhà, Út nói: chị ở đây lâu lâu em kể chị nghe chuyện này. Chuyện gì? Chuyện… mà chị đừng nói với má em, má bả hay la em, bả nói em yêu nhăng nhít, tào lao. Hôm chị cho em lọ nước hoa, em xoa một tí vào gáy mà thơm cả ngày. Hôm nào ảnh tới em lấy xoa vào gáy, mùi thơm ấy khiến ảnh sẽ để ý em phải không chị? Một cái gì đó khiến mắt tôi cay xè, tôi đưa tay dụi mắt. Chị khóc à, sao thế? Qua nhiều lần tâm sự, tôi biết em mới học đến lớp 6. Gọi là học chớ em đâu đi được, má bận chuyện làm ăn, ngày ngày em lết ra chỗ trường học nghe lỏm, có một lần cô giáo thấy em ham học nhưng bị tật nên cô xin thầy hiệu trưởng cho em vào học luôn. Em mừng quá, cố học, có hôm em nằm, không chép kịp bài nên nhờ bé Ba cạnh nhà chép hộ, từ đó bé Ba cõng em ra lớp. Học tới lớp 6 em không học nữa, má nói ở nhà coi nhà. Em thích đọc truyện lắm, hôm nào chị cho em mượn cuốn truyện em đọc đi. Hôm sau tôi mang cho em cuốn: Thép đã tôi thế đấy! Em đọc ngấu nghiến và kể lại cho tôi nghe vanh vách. Chị ơi, sau này em tự viết truyện được không? Được, em cứ lấy chuyện bản thân mình chớ không cần lấy chuyện của ai cả. Chị chờ đọc truyện của em đó…

Tôi vô TP HCM nuôi con gái sinh mất nửa năm. Trở lại Qui Nhơn tôi lại chạy ra quán bánh xèo bà Tám ăn cho đã. Bà Tám không có ở quán. Tôi chạy vào nhà để thăm Út, nó cũng không có ở nhà. Cửa đóng kín mít. Tôi tính quay đi thì bà Tám về. Thấy tôi bà kêu lên: Cô về bao giờ? Dạ, mới hôm qua! Tôi sốt ruột hỏi: Út đâu thím? Bà trả lời, giọng buồn rầu: Nó đi xa rồi cô ơi! Bà mở cửa, một chiếc bàn thờ đặt giữa nhà có di ảnh của Út, em cười duyên, vẻ mặt hiền dịu! Tiếng bà Tám nghẹn tắc: Sau khi cô đi nó cứ hỏi cô mãi. Tôi nói hỏi làm gì. Con đưa cho chị ấy mấy tờ giấy con ghi thành truyện. Hôm đó nó nói cho nó ra quán chơi một tí chớ ở nhà buồn quá. Tôi thấy cũng tội nghiệp nên đồng ý, dặn nó ngồi một chỗ, nó gật đầu. Bữa đó khách đông. Tôi bận bán không để ý. Nó lết ra ven đường lúc nào tôi không biết. Một lúc có người tới báo tin, Út bị xe ben cán chết. Tôi bàng hoàng chạy ra và ngất lịm. Khi tỉnh dậy thì mọi người đã khiêng con bé vào nhà, chuẩn bị liệm. Thương quá cô ơi, mà thôi nó chết trước cũng được vì có tôi lo, chớ nó chết sau tôi thì ai lo cho nó? Trong giỏ xách của nó có mấy tờ giấy nó nói là nó viết truyện để đưa cô coi đó.

Tôi cầm mấy tờ giấy đọc những dòng chữ nghệch ngoặc mà Út đã ghi lại, em ghi những gì mà mình đã chứng kiến trong cuộc sống một cách rời rạc… sao mình là con gái mà hình hài mình như thế này? Chất độc da cam ư, nó đã hủy hại thân xác mình thế này sao? rằng mình khát khao tình yêu của một người con trai, nhưng sao tìm mãi mà không thấy! Rằng mình ước ao có một chiếc máy vi tính để mình viết trên máy, chớ viết tay, mỏi tay quá và chữ xấu ghê. Ước gì chị tới với mình lúc này. Có chị mình vui hơn, có chị mình yêu cuộc sống này hơn. Có chị mình sẽ tâm sự với chị rằng mình yêu anh ấy… mặc dù yêu đơn phương. Mình gặp anh ấy vào buổi sáng ngày chủ nhật, anh ấy đến ăn bánh xèo vỏ quán má mình, hôm ấy mình cũng bôi tí kem, tí son môi, mình nhìn anh ấy trân trân, nhưng anh ấy không hề nhìn mình, chỉ chăm chăm ăn thôi. Có lúc ảnh cũng liếc nhìn mình, nhưng mình cảm giác ánh nhìn ấy chỉ là thương hại mà thôi! Có ai nói thay lời mình cho ảnh biết rằng mình yêu anh ấy đến phát điên mất không trời? Mà cũng đúng thôi, làm sao ảnh yêu một người tật quyền như mình! Mình chấp nhận, yêu đơn phương vậy, chỉ mong sáng nào mình cũng thấy ảnh tại quán bánh xèo của má mình, chỉ vậy thôi mình cũng cảm thấy hạnh phúc biết dường nào. Má không cho mình ra quán, mình nói để con ra phụ má đút củi vào lò, nhưng thực ra để nhìn ảnh, khoảng 8 giờ ảnh tới và ăn khoảng 15 phÚt, mà mình cũng không biết ảnh ở đâu và tên gì nữa. Mình muốn hỏi lắm nhưng lại dị, ai đời con gái hỏi tên con trai…

Tôi đọc nghiến ngấu những dòng suy nghĩ chân tình của em mà thấy như em đang hiện diện trước mặt mình, chờ lời nhận xét của mình. Em giỏi lắm ÚTtơi, chuyện của em viết giản dị, xúc động biết dường nào, cũng như tình yêu của em thật đẹp và trong sáng, dường như không có cô gái lành lặn nào sánh được. Tôi khóc ròng, nước mắt cứ thế tuôn trào.

Đám tang của Út nhiều người tới viếng. Bà Tám nói: cô nhớ cái chuyện tôi kể cô nghe về thằng chả lừa con Út lấy cái vòng vàng Tây hôm tôi vắng nhà đó, hôm đám tang con Út thằng chả tới, chả quì trước bàn thờ con Út thắp nhang rồi quay sang tôi nói: do con tham lam nên đã dụ cô Út lấy cái vòng của cô Út. Giờ con biết lỗi nên con mang trả lại cô Út, mong cô Út tha lỗi cho con. Nó đặt cái vòng lên bàn thờ rồi thẫn thờ quay ra như kẻ mất hồn. Tôi đứng lặng bên bàn thờ em, em nhìn tôi bằng ánh nhìn tự tin. Sao cuộc đời cay nghiệt với em đến thế. Sao không cho em cái quyền được yêu. Tôi đặt hộp kem, thẻ son mới mua lên bàn thờ em. Tiếng bà Tám rên rỉ: Sao con bỏ má đi sớm vậy Út ơi! Má sống sao nếu không có con đây! Giỗ đầu em, tôi mang ra mộ em chiếc vi tính xách tay. Em ao ước có máy tính để viết tiếp cuộc đời của em. Út ơi, em viết tiếp đi nhé, chị chờ đọc truyện của em đó…

Quy Nhơn - BTC

Truyện ngắn: Bùi thị Chiến