Báo Thụy Điển đánh giá cân bằng lực lượng giữa Nga và NATO

Tuy nhiên, ngày nay, trong một cuộc chiến mô phỏng mới, sự cân bằng lực lượng giữa Nga và NATO là tương đối bình đẳng.

Theo tờ Aftonbladet của Thụy Điển, các chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (FOI) đã đưa ra kết luận rằng nếu có cách hợp lý khi tiếp cận việc tăng cường lực lượng, chuẩn bị trước lượng đạn nhất định và thực hành các hoạt động tăng cường, cơ hội thành công của NATO sẽ cao hơn rất nhiều.

Trước đó, vào năm 2016, một báo cáo của trung tâm phân tích công nghiệp-quân sự RAND (Mỹ), đã thu hút rất nhiều sự chú ý, trong đó, một cuộc chiến mô phỏng ở các nước Baltic, Nga đã đánh bại các nước Baltic trong vài ngày, và các lực lượng nhỏ của phương Tây, có sẵn tại thời điểm đó, không thể làm bất cứ điều gì.

Căng thẳng tiếp tục tăng cao đã khiến cho cả NATO và Nga cùng tiến hành hàng loạt các hành động quân sự trên khắp châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Theo Aftonbladet, với kết quả này, kịch bản mới của cuộc chiến mà FOI mô tả trong báo cáo mới nhất đã trở nên bất ngờ. Mô phỏng này cho thấy cán cân quyền lực giữa Nga và NATO sẽ tương đối bình đẳng.

“Nếu chỉ xem xét hoạt động ở Baltic, thì có lúc người Nga vẫn sẽ có lợi thế lớn chủ yếu là trên bộ. Nếu Nga có thể tận dụng cơ hội, theo đề xuất của RAND, thì kết quả tất nhiên sẽ không khó dự đoán. Nhưng đồng thời, tình hình đã được cải thiện đối với NATO. Với cách tiếp cận hợp lý trong việc củng cố lực lượng, chuẩn bị trước lượng đạn nhất định và thực hành các hoạt động tăng cường, khả năng chiến thắng của NATO sẽ cao hơn nhiều”, ông Christer Pallin một tác giả nghiên cứu cho biết.

Cũng theo Aftonbladet, nguồn lực quân sự của NATO vượt trội hoàn toàn so với Nga, nhưng nếu Đông Âu bị cô lập, Nga sẽ có lợi thế hơn, đặc biệt là về khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo ước tính của FOI, Nga sẽ có thể tập hợp và gửi tới Bắc Âu từ 51 đến 68 tiểu đoàn cơ giới trong một tuần, trong khi NATO có tổng cộng chỉ từ 29 đến 43 tiểu đoàn.

Ngoài ra, so với Nga, NATO có ít đội hình được huấn luyện và trang bị hơn cho các cuộc xung đột cường độ cao. Tuy nhiên, NATO cũng có những “con át chủ bài”, liên minh có lợi thế trên biển và chủ yếu là trên không. Theo một số ước tính, có tới 80% tổng số hỏa lực của phương Tây là từ Không quân. Theo FOI, máy bay tấn công mặt đất của NATO “có thể đã tiêu diệt phần lớn quân đội Nga ở phía tây Dãy núi Ural trong vài ngày”.

Trong khi đó, Nga có khá nhiều hệ thống phòng không trên mặt đất sẽ phải bị hạn chế trước khi NATO khai thác hết lợi thế trên không. Và câu hỏi đặt ra là liệu đội quân bị cô lập và không mạnh của NATO ở Baltics có thể chịu đựng được cuộc tấn công bao lâu để Không quân NATO tung đòn quyết định hay không.

“Lực lượng không quân phương Tây là chìa khóa của chiến thắng. Chúng cần được sử dụng rất nhanh chóng. Nếu mọi việc suôn sẻ, có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Nga và khi đó, lực lượng phòng thủ của các nước Baltic sẽ cầm cự được. NATO có thể không giành chiến thắng trên bộ, nhưng họ sẽ đủ để ngăn chặn bước tiến nhanh chóng của Nga”, Christer Pallin nhận định.

Theo các chuyên gia, xét về tổng thể mối đe dọa quân sự từ Nga tất nhiên là nghiêm trọng, nhưng cũng không thể đánh giá quá cao.

“Vấn đề lớn nhất là Nga rất thân thiết với một số thành viên của NATO, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang cao. Nhưng tiềm năng của Nga về mặt xây dựng lực lượng và tiến hành một cuộc chiến lâu dài có vẻ hạn chế”, FOI viết.

Theo các nhà nghiên cứu, có lẽ thời điểm nguy hiểm nhất là bây giờ và trong 2 đến 3 năm tới. “Tất nhiên NATO vẫn rất phụ thuộc vào Mỹ. Các quốc gia lớn ở châu Âu như Ba Lan, Anh và Đức có lực lượng quân sự khá lớn, nhưng đang ở trong tình trạng kém. Nhiều kế hoạch hiện tại sẽ chỉ thành hiện thực sau 10 năm nữa. Và những gì nên hoàn thành vào năm 2033 có thể không còn quan trọng nữa”, ông Christer Pallin kết luận.

Thanh Bình (lược dịch)