Mặc dù ở độ tuổi vị thành niên và không giỏi về Hóa học, nhưng nhờ học trên mạng, Đinh Văn Nguyên (sinh năm 2008), trú tại huyện Đông Anh đã có thể nắm bắt công thức và chế tạo thành công pháo nổ. Nguyên lên mạng đặt mua các loại nguyên liệu để sản xuất pháo nổ gồm: quả cầu giấy, lõi pháo tràng, giấy thếp màu đỏ, bột phân bón cây, lưu huỳnh, than củi, hạt kim loại tạo màu, màng bọc thực phẩm và các dụng cụ liên quan. Ban đầu, Nguyên chế tạo thuốc pháo nổ vì sự tò mò, nghịch ngợm, tuy nhiên, sau khi thấy trên mạng xã hội, một số người có nhu cầu mua pháo với giá cao, Nguyên đã quyết định làm với số lượng lớn và bán cho khách. Giá của mỗi quả pháo dao động từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng một quả tùy kích cỡ.
Nhóm thanh thiếu niên chế tạo trái phép pháo nổ tại nhà.
Trong quá trình sản xuất pháo, Nguyên còn thuê thêm hai đối tượng khác cùng tham gia là Nguyễn Hoàng Hà và Đình Đức Hùng, cùng trú tại huyện Đông Anh. Đặc biệt, trong vụ việc lần này, các đối tượng liên quan đều có tuổi đời còn khá trẻ. Mặc dù các đối tượng sản xuất pháo tại nhà, nhưng gia đình cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi lực lượng chức năng tiến hành khám xét nơi ở thì mới phát hiện ra thì đã quá muộn.
Tang vật thu giữ được.
Để phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên, học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép, lực lượng công an đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ. Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng cũng sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.