Các nước trên thế giới đã phát triển đường sắt đô thị như thế nào?

Nhật Bản lồng ghép đường sắt vào đời sống đô thị

ật Bản từ lâu đã dồn lực vào phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, trong đó tập trung chủ yếu là hệ thống metro - những chuyến tàu luôn di chuyển với tốc độ cao dưới mặt đất.

Sau hàng thập kỷ đổ vốn đầu tư, đất nước mặt trời mọc đã xây dựng cho mình một mạng lưới đường sắt đô thị dày đặc, với độ phủ sóng trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, và được trang bị đồng đều, chuẩn chỉnh.

Đặc biệt, vùng Thủ đô Tokyo đang tỏ ra vượt trội hơn cả với việc sở hữu mạng lưới gần 900 nhà ga và trung bình vận chuyển lên đến 40 triệu lượt khách/ngày. Mạng lưới đường sắt bao phủ với mật độ cao cho phép người dân tới ga trong khoảng thời gian ngắn (5 - 10 phút đi bộ), với giá cả phải chăng.

Có thể nói một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của hệ thống đường sắt đô thị Nhật Bản ngày nay là do sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân, thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP).

Không như nhiều quốc gia khác nơi giao thông chủ yếu dựa vào ngân sách chính phủ, Nhật Bản đã sớm thành công trong việc kéo khối tư nhân chung tay đầu tư. Giới tư nhân ở đất nước này đã nhận thấy được nhiều lợi ích từ việc đầu tư vào đường sắt như: chi phí và việc giải phóng mặt bằng dễ hơn so với đường bộ khi chỉ cần độ rộng tối thiểu dưới 10m tùy thuộc vào vị trí, nhận được nhiều nguồn thu hơn bên cạnh thu từ vé tàu, như: thu từ bất động sản, thương mại quanh nhà ga…

Hệ thống tàu điện đô thị tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP

Hiện nay, các tuyến đường được quản lý bởi nhiều công ty vận tải đường sắt khác nhau, bao gồm: Japan Railway và các công ty đường sắt địa phương.

Riêng Tokyo có khoảng 30 công ty khác nhau vận hành hơn 120 tuyến đường sắt, nổi bật hơn cả là Tokyo Metro với việc công ty này đang điều hành mạng lưới tàu ngầm lớn nhất Nhật Bản. Ra đời vào năm 2004, công ty được đồng sở hữu bởi chính phủ Nhật Bản và Chính quyền Đô thị Tokyo có hệ thống đường sắt đô thị với tổng chiều dài lên đến 195km, bao gồm 180 nhà ga nằm trên chín tuyến. Tốc độ tối đa của tàu điện Tokyo Metro thường vào khoảng 80km/h.

Chính phủ Nhật Bản đang chú trọng đến việc chuyển tiếp giữa các loại hình trong hệ thống đường sắt đô thị cũng như kết nối đường sắt với các phương tiện công cộng khác, thông qua mô hình TOD (Transit Oriented Development). Bằng việc đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục giữa các loại tàu như: tàu chậm, tàu nhanh và tàu cao tốc shinkanshen, sau đó chuyển sang các loài hình khác như: xe buýt, taxi…

Mô hình TOD sẽ giúp nâng cao tiện nghi, tiết kiệm thời gian cho hành khách. Việc chuyển tiếp giữa các loại hình giao thông dễ dàng do xung quanh nhà ga thường bố trí các cơ sở hạ tầng liên hợp như: bãi đỗ xe, bến xe buýt. Ngoài ra, các công ty cũng tích hợp thêm các tiện nghi như: thương mại, văn phòng, thể thao, y tế vào mạng lưới giao thông công cộng nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất và đẩy giá trị bất động sản lên cao.

Trong những năm gần đây, nhằm đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của hệ thống đường sắt, đảm bảo nhiều tiện ích cho người dân, Nhật Bản ngày càng tăng cường áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, pin mặt trời, hệ thống bán vé thông minh thanh toán qua thẻ từ hay các chỉ dẫn đa ngôn ngữ dành cho du khách nước ngoài.

Châu Âu đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, nhiều quốc gia châu Âu cũng đang đẩy mạnh việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị nhằm giảm thiếu tối đa lượng phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường, đồng thời giảm ùn tắc giao thông khi lưu lượng phương tiện đi lại ngày càng tăng, một xu thế tất yếu của quá trình đô thị hóa.

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi xướng tàu điện ngầm, với đoàn tàu điện ngầm đầu tiên chỉ dài 6km. Trải qua hàng trăm năm phát triển, quốc gia này ngày càng xây dựng hệ thống đường sắt hiện đại, hoàn chỉnh hơn, phát triển đồng đều khắp mọi khu vực và có thể bao phủ cả những vùng xa nhất.

Tại London, với việc hệ thống xe lửa kết nối với các sân bay và cảng lớn, người dân sẽ mất ít thời gian khi di chuyển từ các sân bay đến đường sắt hơn so với di chuyển bằng ô tô do thủ đô nước Anh luôn trong tình trạng tắc đường.

Bên cạnh đường bộ, đường sắt cũng được người dân nước này xem là phương tiện vận chuyển chính do có thể di chuyển ở những quãng đường xa mà vẫn đảm bảo được an toàn, một trong những ưu điểm nổi trội so với các phương tiện khác. Ngoài ra, đường sắt cũng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chuỗi cung ứng khi vận chuyển hơn 78 triệu tấn hàng hóa vào năm 2022.

Pháp cũng là một trong những quốc gia chú trọng phát triển đường sắt đô thị, với tổng chiều dài đường sắt lên đến 29.000km. Mạng lưới đường sắt hiện đại của Pháp không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách mà góp phần vào vận chuyển hàng hóa và phục vụ du lịch.

Vào tháng 2/2023, Pháp đã lên kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ euro vào vận tải đường sắt đến năm 2040 như một phần trong nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải carbon của đấy nước này. Theo đó, kế hoạch này nhằm mở rộng và nâng cấp mạng lưới đường sắt, bao gồm việc triển khai các chuyến tàu tốc hành tương tự như hệ thống Paris RER tại các TP lớn.

Không chỉ sở hữu một trong những tuyến đường sắt dài nhất thế giới, Đức còn đặc biệt ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển một hệ thống đường sắt hiện đại và hiệu quả. Với tổng chiều dài lên đến 41.000km, mạng lưới đường sắt này đã kết nối các thành phố, vùng miền trong nước cũng như với nước ngoài.

Gần đây, Chính phủ Berlin đang có kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt, trong đó tập trung cải tạo lại những đường sắt cũ. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đường sắt 2023 ở Frankfurt, Bộ trưởng Giao thông Liên bang nước này Volker Wissing đã tiết lộ khoản đầu tư trị giá 40 tỷ euro (42,7 tỷ USD) cho đến năm 2027 để giải quyết cơ sở hạ tầng đường sắt bị bỏ quên. Ông cũng cho biết Chính phủ Đức sẵn sàng cung cấp những điều kiện tài chính tốt nhất để cải tiến ngành đường sắt, tuy nhiên công việc cải tạo phải thực hiện càng nhanh càng tốt.

Với những tiện ích to lớn mang lại đối với cuộc sống người dân, môi trường, du lịch và kinh tế, đường sắt đô thị đã, đang và chắc chắn sẽ trở thành một trong những ưu tiên quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tùng Lâm