Chỉnh trang quảng trường Sông Phố

Năm 1991, di tích quảng trường Sông Phố đã được Bộ Văn hóa thông tin và thể thao xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Ảnh: P.Tùng

Chính vì vậy, việc thực hiện chỉnh trang, khôi phục lại hình ảnh của quảng trường Sông Phố nhằm phát huy công năng, giá trị của địa danh này là nhu cầu cần thiết trong quá trình thực hiện chỉnh trang chung đô thị Biên Hòa.

* Biểu tượng của đô thị Biên Hòa

Quảng trường Sông Phố (còn gọi là công trường Sông Phố) là khu vực giao lộ của hai tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 30-4. Người dân quen gọi quảng trường Sông Phố với cái tên là bùng binh trung tâm vì nó tọa lạc gần các công sở của tỉnh và từ đây có những ngã đường tỏa đến các địa điểm trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Sau khi đánh chiếm và bình định Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng nhiều công sở trên vùng đất này để phục vụ cho chính quyền thuộc địa. Quảng trường Sông Phố được xây dựng cùng với kiến trúc của Tòa bố Biên Hòa (địa điểm này hiện nay là trụ sở khối nhà nước tỉnh), Dinh Tỉnh trưởng tạo nên một khung cảnh hài hòa giữa lòng thành phố có quy mô vừa phải bên sông Đồng Nai thơ mộng.

Theo ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, năm 1861, sau khi đánh chiếm Biên Hòa, thực dân Pháp đã xây dựng quảng trường Sông Phố.

Ngày 30-12-1991, di tích quảng trường Sông Phố đã được Bộ Văn hóa thông tin và thể thao xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Quảng trường Sông Phố đã đi vào lịch sử xứ Biên Hòa từ những ngày sôi động khi quần chúng nổi dậy cướp chính quyền mùa thu năm 1945. Ngày 27-8-1945, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Gần một vạn người từ các nơi kéo về đây tham dự. “Quảng trường Sông Phố là ký ức lịch sử đối với người dân Biên Hòa. Những người lớn tuổi đều biết đến quảng trường Sông Phố”- ông Trần Quang Toại chia sẻ.

Tại quảng trường Sông Phố có công trình đài phun nước là một tác phẩm của Trường bá nghệ Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) sáng tạo. Ba bức tượng cá chép hóa long tại đài phun nước trông rất đẹp mắt qua các tia nước được phun lên. Đây cũng được xem là dấu ấn của nghề gốm Biên Hòa vốn nổi tiếng xưa nay.

Cũng theo ông Trần Quang Toại, hiện nay, khu vực quảng trường Sông Phố đã có nhiều thay đổi. Trước đây, khu vực này chỉ có một số trụ sở cơ quan nhà nước chứ không san sát nhà cửa như thời điểm hiện tại.

* Phục hồi quảng trường Sông Phố

Không chỉ nắm giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, quảng trường Sông Phố còn là vị trí tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa. Chính vì vậy, trong dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn đã đề xuất các phương án hiệu chỉnh cục bộ điểm giao thông trọng yếu tạo không gian phát triển và hình thành nút giao điểm nhấn tại khu vực quảng trường Sông Phố.

Theo đó, có 2 phương án được đơn vị tư vấn đề xuất thực hiện. Trong đó, phương án 1 sẽ bố trí 2 đảo quay xe trên đường Cách Mạng Tháng 8 và 1 đảo giao thông tại khu vực nút giao kết hợp khuôn viên cảnh quan và công trình biểu tượng, cột đồng hồ… Với phương án này, giải pháp tổ chức giao thông được đơn vị tư vấn đưa ra là bố trí vạch kênh hóa (vạch sơn 4.2) tại ngã ba nhằm kênh hóa các làn xe di chuyển trong phạm vi nút giao, tránh các phương tiện đi theo hướng trực diện vào cổng UBND tỉnh. Đồng thời, bố trí các mũi tên chỉ hướng trên tuyến đường. Phương án này sẽ không cho các phương tiện rẽ trái tại nút giao mà tổ chức bố trí đảo tròn trước và sau nút giao trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám để các phương tiện đi từ đường 30-4 rẽ trái và các phương tiện theo hướng từ đường Cách Mạng Tháng Tám rẽ trái có thể quay đầu, tránh ùn tắc giao thông.

Với phương án 2, sẽ bố trí đảo giao thông kết hợp khuôn viên cảnh quan và công trình biểu tượng, cột đồng hồ… tạo điểm nhấn tại khu vực nút giao. Giải pháp tổ chức giao thông theo phương án này sẽ thực hiện bố trí vạch kênh hóa (vạch sơn 4.1) tại ngã ba nhằm kênh hóa các làn xe di chuyển trong phạm vi nút giao tránh các phương tiện đi theo hướng trực diện vào cổng UBND tỉnh. Kết hợp bố trí các mũi tên chỉ hướng trên tuyến đường và tại nút giao kênh hóa để các phương tiện thuận lợi cho việc quan sát và di chuyển đảm bảo an toàn giao thông.

Cùng với đó, đơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án ý tưởng công viên ven sông Đồng Nai tại khu vực trung tâm thành phố Biên Hòa (khu vực UBND tỉnh sau khi di dời ra trung tâm hành chính - chính trị mới) với các định hướng chính gồm: nghiên cứu chỉnh tuyến giao thông để gắn kết không gian quảng trường với bờ sông; nghiên cứu phát triển đa chức năng để tạo không gian sầm uất, thu hút cư dân và du khách, hình thành điểm nhấn mang tính công cộng, cởi mở cho thành phố; tạo lập các chức năng như: quảng trường, cây xanh, giao thông công cộng (thủy, bộ), thương mại dịch vụ, du lịch, công trình văn hóa, nghệ thuật... Bố trí công trình kiến trúc tạo điểm nhấn.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, đơn vị đồng tình rất cao với ý tưởng chỉnh trang quảng trường Sông Phố nhằm phục hồi lại địa danh lịch sử quan trọng này, đồng thời tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa. Ý tưởng công viên ven sông Đồng Nai cũng là ý tưởng khả thi để thực hiện bởi khu vực này có nhiều trụ sở, cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước với diện tích đất công lớn có thể triển khai thực hiện.

Phạm Tùng