Câu chuyện 'xanh' của Vinamilk

Để có thể chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước như hiện nay, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững chính là “chìa khóa” mà Vinamilk lựa chọn trong chiến lược phát triển của mình.

Bao bì hộp giấy của Vinamilk có thể tái chế. Ảnh: Châu Anh

3 trụ cột cho phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk, để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, yếu tố xanh, sạch, an toàn và bền vững là “chìa khóa” của Vinamilk.

Ông Nguyễn Quang Trí chia sẻ, các trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm được xây dựng với 3 trụ cột chính làm định hướng cho phát triển bền vững, bao gồm: Chọn lọc đầu vào kỹ lưỡng - Thực hành nông nghiệp tái tạo và Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững. Các nhà máy được thiết kế với hệ thống xử lý chất thải hiện đại, đảm bảo 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi ra môi trường. Hệ thống năng lượng xanh như: Biomass, CNG, và năng lượng mặt trời được trang bị tại các trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm nhằm giảm phát thải carbon, nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Hàng năm, công ty sẽ có những thống kê, tính toán về tỷ lệ tiêu dùng các tài nguyên, năng lượng… hay phát thải trong sản xuất hoặc trên mỗi đơn vị sản phẩm để có lộ trình cụ thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” - ông Trí cho biết thêm.

Vinamilk không chỉ dừng lại ở câu chuyện trang trại sinh thái và sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm, doanh nghiệp này còn đang thực hiện và tham gia các hoạt động nhằm tuyên truyền, lan tỏa về lối sống xanh, xây dựng ý thức và thói quen bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Tối ưu hóa bao bì sản phẩm

Vinamilk mang đến các trải nghiệm tiêu dùng xanh tới người tiêu dùng thông qua việc sử dụng túi vải và túi tự hủy sinh học thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu các chất thải nhựa; thay đổi bao bì theo hướng bảo vệ môi trường như: Bỏ vòng nhựa bao quanh nắp chai nước, giảm số lượng muỗng sữa chua trong thùng sản phẩm, giảm sử dụng màng co, giảm lượng nhựa sử dụng cho bao bì sản phẩm,… Đồng thời, triển khai sử dụng túi nhựa tự hủy sinh học và túi tái sử dụng nhiều lần. Tất cả cửa hàng “Giấc Mơ Sữa Việt” của Vinamilk nói “Không” với việc sử dụng túi nilon thông thường.

“Vinamilk sử dụng bao bì giấy theo công nghệ Tetra Brick Aspeptic, có thể tái chế toàn bộ và được chứng nhận FSC - chứng nhận sản phẩm mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội” - ông Trí nhấn mạnh.

Song song với đó, để giảm thiểu thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, Vinamilk đang nghiên cứu hướng đến hạn chế sử dụng các nguyên phụ liệu không thân thiện môi trường như thay đổi chất liệu nắp nhựa chai PET, từ có sử dụng màu thành không màu cũng như bổ sung biểu tượng tái chế trên bao bì.

Ngoài đề cao giảm nhựa, Vinamilk còn không ngừng cố gắng trong việc nghiên cứu tiết giảm tối đa các nguyên vật liệu khác như giấy, để hạn chế việc phát sinh các chất thải ra môi trường. “Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật của thùng, giảm chiều cao thùng giấy nhưng vẫn đảm bảo dung tích chứa sản phẩm, mặt khác còn giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí, giảm khối lượng thùng giấy phát sinh” - ông Trí nói.

Nhận thấy rằng việc quấn pallet sản phẩm bằng lớp màng co đã phát sinh nhiều nhựa thải, bên cạnh đó, lượng nhựa này có khả năng tiết giảm được. Vì vậy, Vinamilk đã tiến hành nghiên cứu cải tiến thiết kế của lớp màng co quấn quanh pallet sản phẩm, từ chất liệu, bề dày đến chiều cao; chuyển đổi từ chất liệu nhựa thông thường sang màng co chất liệu Nano.

Thu Hường