Chắp cánh thương hiệu, nhãn hiệu

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm của Đinh Gia Foods tại shop Minh Thư, đường 30 Tháng 4. Ảnh: LỆ THU

Doanh nghiệp định vị

Tại quầy thực phẩm của shop Minh Thư, đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, nhiều khách hàng chọn mua các sản phẩm của DGFoods. Chị Trần Ngọc Chi, ngụ phường Hưng Lợi, cho biết: “Sản phẩm của nhãn hàng này ngon và giá cả phải chăng”. DGFoods là nhãn hiệu các sản phẩm hạt nông sản chế biến (đậu phộng, đậu Hà Lan, đậu nành, hạt điều) của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Ðinh Gia Foods, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Xuất phát điểm là hộ chuyên sỉ và lẻ các sản phẩm từ đậu nành rang tại thị trường Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long; Ðinh Gia Foods đã đầu tư nhà xưởng, thành lập công ty để mở rộng sản xuất. Bên cạnh nghiên cứu sản phẩm mới, đa dạng mẫu mã, Ðinh Gia Foods còn đăng ký bảo hộ SHTT nhãn hiệu DGFoods năm 2017. Từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ qua kênh phân phối GT (chợ, cửa hàng tạp hóa…), các chuỗi MT (chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) toàn quốc. Anh Ðinh Công Minh Nhật, trợ lý kinh doanh của công ty, cho biết: “Ðinh Gia Foods có định hướng xuất khẩu, nên từ năm 2019 đã quản lý sản xuất theo quy chuẩn quốc tế như HACCP, HALAL, Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập. Công ty còn đầu tư máy móc công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sản lượng”.

Còn Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lộc Hưng ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã đăng ký nhãn hiệu tập thể Xoài Lộc Hưng chỉ 1 năm sau khi thành lập, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ ở các phân khúc thị trường cấp cao. Song song đó, quy trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Phan Văn Tây, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, cho biết nhờ đăng ký nhãn hiệu tập thể, sản xuất đảm bảo an toàn và có mã code truy xuất nguồn gốc, nên sức tiêu thụ sản phẩm của HTX tăng trưởng thuận lợi. Trái cây không chỉ được đẩy mạnh tiêu thụ ở nội địa mà còn được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thành công. Hiện HTX có diện tích trồng xoài gần 42ha, mỗi năm xuất bán hơn 700 tấn xoài cát Hòa Lộc và xoài tượng da xanh; thị trường tiêu thụ tăng lên khoảng 40% so với trước đây. HTX đang trong quá trình hoàn thiện các sản phẩm xoài sấy, dự kiến gia nhập thị trường dịp năm mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm của HTX.

Còn rất nhiều thương hiệu, nhãn hiệu của Cần Thơ đang mở rộng thị trường tiêu thụ: Bánh tét lá cẩm Cần Thơ, Dâu Hạ Châu Phong Ðiền, Xoài cát Tây Ðô, Vú sữa Thới An Ðông, Sữa bò Long Hòa, Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ… Có thể thấy, giá trị của sản phẩm được nâng cao khi thương hiệu, nhãn hiệu được chứng thực uy tín.

Lãnh đạo Hội Nông dân TP Cần Thơ và các sở, ngành đánh giá cao chất lượng Gạo sạch Thạnh Đạt. Ảnh: HỒNG VÂN

Trợ lực từ thành phố

Bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng là một phần trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, đến tháng 12-2020, Cần Thơ có 4.261 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp cho khoảng 1.200 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Chương trình giai đoạn 2016-2020 có mức hỗ trợ kinh phí cao hơn những giai đoạn trước, mở rộng nội dung và hình thức, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Thành phố đang thực hiện 2 dự án giúp tổ chức, doanh nghiệp phát triển thương hiệu/nhãn hiệu: “Phát triển thương hiệu gạo sạch Thạnh Ðạt”, “Quản lý và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ”.

Gạo sạch Thạnh Ðạt của HTX Nông nghiệp sạch Thạnh Ðạt, huyện Vĩnh Thạnh và sầu riêng Tân Thới của Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Ðiền đều là 2 nhãn hiệu đã được bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, các sản phẩm được tiêu thụ nhỏ lẻ; gạo chưa được đóng gói, chưa có bao bì và sầu riêng cũng chưa được dán nhãn hiệu vốn đã được chứng nhận. Do đó, 2 dự án cùng chung mục tiêu xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Các dự án tập trung khảo sát nhu cầu của khách hàng và tình hình sản xuất, tiêu thụ của sản phẩm; thiết lập mô hình tổ chức, quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu; xây dựng kênh thông tin và truyền thông cho sản phẩm; hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ; tập huấn nâng cao năng lực về nhận dạng, xác lập, quản lý và phát triển thương hiệu…

Thu hoạch sầu riêng tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Hiện nay, các dự án được triển khai những công việc đầu tiên và các nông hộ đã chuẩn bị chu đáo để phối hợp thực hiện. Anh Lê Hoàng Thông, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới, chia sẻ: “Sầu riêng đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ thành viên cũng đang đầu tư hệ thống tưới tiêu, kỹ thuật… để tiết kiệm nhân công lao động, nâng cao năng suất”.

***

Ý thức và những hành động bảo hộ quyền SHTT là đòn bẩy để các sản phẩm, thương hiệu, nhãn hiệu của Cần Thơ ngày càng vươn xa.

CÁT ÐẰNG