Châu Âu chật vật đối phó với giá điện tăng cao kỷ lục

Tại Đức, kể từ ngày 1/10/2022, mỗi hộ gia đình sẽ phải đóng thêm 2,4 cent cho mỗi KWh sử dụng khí đốt để đạt mục tiêu của chính phủ là giảm 2% mức tiêu thụ điện và khí đốt vào mùa Đông tới. Trước đó, một số quy định tiết kiệm năng lượng đã được ban hành từ đầu tháng 8/2022 như không bật sưởi quá 20 độ C, các cửa hàng phải đóng kín cửa tránh thoát nhiệt và tắt các quảng cáo chiếu sáng về ban đêm. Tuy nhiên, giá điện bán sỉ tại Đức trong tuần qua vẫn tăng lên mức 850 euro/MWh đối với các hợp đồng có thời hạn một năm, tăng 40% so với 1 tuần trước đó.

Quốc gia láng giềng với Đức là Áo đã tuyên bố sẽ hạn chế việc chiếu sáng các trục đường chính của thủ đô trong các dịp Lễ cuối năm 2022 và Chào đón năm mới 2023. Các chợ Noel sẽ chỉ được bật đèn khi trời đã tối hẳn, nghĩa là chậm hơn 1 tiếng đồng hồ so với bình thường. Cơ quan năng lượng Áo cho biết giá điện bán sỉ tại nước này đã tăng 256% trong vòng 1 năm qua.

Giá điện tại châu Âu đang tăng phi mã. (Ảnh: Le Figaro)

Tại Hà Lan, chính phủ mới đây đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với điện từ 21% xuống còn 9% và giảm thuế tiêu thụ cho khoảng 8 triệu hộ gia đình. Trước đó, từ giữa tháng 6/2022, Hà Lan đã cho khởi động lại các nhà máy điện than trong nỗ lực giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Chính phủ Italia hiện đang xem xét cấm các công ty điện thay đổi nội dung hợp đồng sau khi giá điện vượt ngưỡng 700 euro/MWh để hạn chế đà tăng giá. Tình hình cũng hết sức căng thẳng tại những quốc gia đã bị Nga dừng cung cấp khí đốt như Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và mới đây là Latvia. Ba Lan dự tính sẽ giảm thuế năng lượng và hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng.

Tại Bắc Âu, dù là quốc gia xuất khẩu khí đốt, người dân Na Uy cũng đang chứng chiến hóa đơn năng lượng tăng 80%. Thụy Điển dự tính chi 6 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bộ trưởng Môi trường Ireland thông báo giá điện sẽ được tính lũy tiến vào một số khung giờ cao điểm trong mùa Đông 2022 để chống lãng phí.

Hai quốc gia thuộc bán đảo Iberia là Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nha được cho là ít bị ảnh hưởng hơn các quốc gia khác nhờ khả năng chuyển đổi khí tự nhiên hóa lỏng và việc giới hạn mức giá trần của khí đốt sử dụng trong nhà máy điện từ tháng 5/2022.

Dù không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga, chính phủ Thụy Sĩ dự kiến cắt điện khoảng 4 tiếng mỗi ngày do giá điện tăng cao và 2/3 nguồn cung cấp được nhập khẩu từ Pháp.

Trong khi đó, nước Pháp đang chứng kiến sản lượng điện hạt nhân giảm mạnh khi hơn 1 nửa trong tổng số 56 lò phản ứng hạt nhân phải dừng hoạt động do hạn hán thiếu nước làm mát.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Ngân sách của Pháp ông Gabriel Attal cảnh báo, giá điện tại Pháp có thể sẽ tăng 45% ngay sau khi chính phủ bãi bỏ biện pháp áp trần tăng giá điện ở mức 4% vào cuối năm 2022.

“Tôi muốn nói với người dân Pháp là tình hình đang rất căng thẳng dù điều này không còn mới. Sẽ có những khó khăn về nguồn cung cấp đối với toàn bộ châu Âu cũng như với thế giới. Đã có những dự báo là giá điện sẽ tăng lên mức 1.000 euro cho mỗi MWh” - ông Gabriel Attal nói./.

Mạnh Hà/VOV-Paris