Chợ cá trong lòng đô thị Mỹ Tho gây ô nhiễm khu dân cư

Bà Lê Thị V., cũng như nhiều hộ dân có nhà ven đường Mỹ Chánh (khu phố 5, phường 2) phải sống chung với tình trạng mùi hôi tanh, nước bẩn rò rỉ trên mặt đường. Dù không phải hộ kinh doanh mặt hàng thủy sản nhưng phải gánh chịu bầu không khí ngột ngạt này.

Chợ Cá Mỹ Tho sau thời điểm tan chợ

Bà V., bức xúc: “Chợ cá đặt ở đây, nước thải ra bốc mùi hôi, thối, nếu diễn ra trong thời gian dài thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tôi thấy giữa đô thị Mỹ Tho mà đặt chợ cá ở đây là không hợp lý rồi. Nhà tôi ban ngày muỗi giống như ở vùng Đồng Tháp Mười vậy, ngoài ra còn rất nhiều ruồi nữa, cũng ráng phải khắc phục thôi, mùi hôi thối bốc lên suốt ngày”.

Tiểu thương tại chợ cá bơm nước dự trữ để tập kết cá sống bày bán về đêm

Trụ sở UBND phường 2 và trạm y tế phường do nằm gần chợ Cá Mỹ Tho nên cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tình trạng kém vệ sinh này. Y sĩ Trần Phương Linh, Trưởng Trạm y tế phường 2, cho biết, đã từ lâu trạm y tế chịu ảnh hưởng của cảng cá Mỹ Tho rồi đến chợ Cá Mỹ Tho, dần dần như quen mùi, bệnh nhân đến đây cũng không ý kiến gì.

“Bây giờ gần như quen rồi, phía bệnh nhân cũng không ai nói gì. Vì từ xưa đến giờ trạm y tế đã bị ám mùi của cảng cá rồi, bây giờ có thêm chợ cá nữa, tụi tôi cũng không có ý kiến gì, phải sống chung hoài. Riêng những chỗ bị đọng nước bẩn tụi tôi khi họp báo có báo cáo bên môi trường, ủy ban nhân dân phường sẽ làm việc với các thương gia hay công ty đô thị”, chị Linh nói.

Bên trong chợ Cá Mỹ Tho

Trước đây, chợ Cá Mỹ Tho nằm tại phường 1, thành phố Mỹ Tho. Do quá ô nhiễm môi trường, người dân phản đối nên cuối năm 2020, UBND thành phố Mỹ Tho di dời chợ cá này về khu đất rộng gần 2.000 mét vuông tại khu phố 5, phường 2 nằm cận kề với Cảng cá Mỹ Tho. Đây là nơi tập kết các loại cá nước ngọt của ngư dân các nơi về để bán sỉ và lẻ cho thương lái và người dân xa gần, hoạt động mỗi ngày từ 20h đến 5h sáng.

Lượng nước kém vệ sinh vẫn thường trực trên mặt đường xung quanh chợ Cá

Chợ Cá Mỹ Tho hiện có 19 ki ôt chuyên mua bán thủy sản và nhiều hộ có nhà ven đường Mỹ Chánh cũng làm nghề này. Tại chợ cá có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đủ công suất nên lượng nước thải từ các ki ôt vẫn thường xuyên xả ra hệ thống cống xung quanh. Có thời điểm cống bị nghẹt nước dẫn đến tràn ra phía ngoài đường. Bên cạnh đó, tại các nhà vựa tập kết thủy sản, xe tải bốc xếp hàng hóa cũng rò rỉ lượng nước thải ra mặt đường. Lượng nước thải và mùi hôi đặc trưng của chợ cá đã gây ô nhiễm diện rộng.

Nước ao tù tồn động do nghẹt cống thoát nước

Trước tình trạng phát sinh ô nhiễm từ chợ cá Mỹ Tho, UBND phường 2 đã vận động các hộ kinh doanh thủy sản ven đường Mỹ Chánh và các tiểu thương trong chợ cá góp tiền từ 200.000-400.000 đồng/hộ/ tháng để hợp đồng thuê công ty công trình đô thị Mỹ Tho rửa đoạn đường Mỹ Chánh. Tuy nhiên, việc súc rửa đường này vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm ở khu dân cư này nhất là vào ngày thứ 7, chủ nhật.

Người dân khu phố 5, phường 2 phải quẹt dọn, khai tháo nước trên mặt đường

Ông Phạm Minh Trúc, Chủ tịch UBND phường 2 cho biết: “ Khi chợ cá về phường 2, địa phương đã tập trung cho công tác bảo vệ môi trường, thứ nhất là tuyên truyền, vận động nhân dân tự rửa khu vực mua bán, kinh doanh để giảm thiểu mùi hôi. Song song đó, UBND phường hợp đồng với công ty công trình đô thị Mỹ Tho rửa đường mỗi tuần 3-4 lần, có khi 5 lần để đảm bảo giảm đến mức thấp nhất mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Trạm y tế phường 2 nằm cận chợ cá và Cảng cá Mỹ Tho nên phải sống chung với bầu không khí ngột ngạt

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải trong sinh hoạt và sản xuất đang là vấn đề “nóng” tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh ền Giang) trong đó có chợ cá Mỹ Tho.Việc tập kết kinh doanh thủy sản của chợ Cá Mỹ Tho lại nằm trong lòng đô thị là chưa hợp lý, đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, chính quyền và các ngành chức năng địa phương phải có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe, ổn định cuộc sống của người dân.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL