Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội; giúp CBCS nắm bắt kịp thời để áp dụng, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thực thi nhiệm vụ; đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội…
Đại tá Bùi Quang Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL Công an tỉnh cho biết: "Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an trong công tác PBGDPL gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) và tình hình thực tiễn trên địa bàn, Công an tỉnh đã linh động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền PBGDPL đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả thông qua nhiều hình thức, như: tổ chức các hội nghị, tọa đàm, tập huấn, thi tìm hiểu trực tuyến, giao ban, đọc báo, sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt đơn vị...
Nhờ đó, Công an tỉnh đã kịp thời quán triệt, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, bảo đảm ANTT, phòng chống tội phạm để CBCS nâng cao nhận thức, nắm vững pháp luật, vận dụng vào thực tiễn công tác; góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong, văn hóa ứng xử, ý thức phục vụ Nhân dân…".
Lực lượng Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho người dân xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Công an tỉnh đã ban hành 122 chương trình, kế hoạch, công văn nhằm hướng dẫn, chỉ đạo các phòng trực thuộc và Công an các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác liên quan đến hoạt động PBGDPL. Trên cơ sở đó, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện, như: tuyên truyền PBGDPL về công tác quản lý cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội…
Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, như: tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; tuyên truyền về quản lý, sử dụng pháo; tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong lực lượng công an; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS trong công tác công an phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền các hoạt động của Công an Quảng Bình trong công tác bảo đảm ANTT bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp...
Đặc biệt, Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử và phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các quy định của pháp luật về cách ly y tế, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh; tình hình vi phạm pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, Công an tỉnh còn chú trọng tuyên truyền PBGDPL về các nội dung, như: công tác đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, ma túy, mại dâm, vay lãi nặng, hành vi mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; đăng tải nhiều bài viết nhằm vạch trần các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng phản động, cực đoan, chống đối trên không gian mạng…
Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể, khu dân cư, trường học trên địa bàn tổ chức trên 690 hội nghị tuyên truyền PBGDPL với khoảng 120.000 lượt người tham gia. Nổi bật, công an cấp huyện đã tổ chức rất hiệu quả diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân". Thông qua các hoạt động tuyên truyền PBGDPL, người dân trên địa bàn tỉnh đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có liên quan đến ANTT, giúp lực lượng công an điều tra làm rõ tội phạm, triệt phá và xóa được nhiều ổ nhóm tội phạm trên địa bàn.
Đặc biệt, Công an tỉnh còn chủ động xây dựng được 101 mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động rất hiệu quả; củng cố, duy trì, kiện toàn hoạt động các mô hình, điển hình tiên tiến ở 20 xã, phường, thị trấn, như: "Xã, phường không có tệ nạn ma túy", "Thôn 3 an toàn", "Tiếng kẻng an ninh", "Giám sát an ninh", "Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gắn với công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở"…
Cùng với đó, Công an tỉnh đã tiến hành tổ chức tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho các thành viên của "Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ" và "Nhóm liên gia tự quản về ANTT" tại 11 xã với gần 1.500 lượt người tham gia; tổ chức trên 50 buổi tuyên truyền tại các cụm dân cư cho khoảng 200 đối tượng bị phạt tù được hưởng án treo và hơn 50 đối tượng cải tạo không giam giữ trên địa bàn; tuyên truyền PBGDPL cho khoảng 200 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống…