Đường dài cho xuất khẩu gạo: Bài 2 - Thị trường biến động liên tục, rủi ro thua lỗ chực chờ

Giá lúa, gạo lên xuống bấp bênh

Hai tuần qua, câu chuyện về giá lúa, gạo trở thành vấn đề thời sự nóng, được nhiều người quan tâm. Giá lúa, gạo tăng liên tục khiến nông dân phấn khởi, với hy vọng lãi nhiều trong vụ lúa hiện đang thu hoạch. Thế nhưng, chỉ ngay sau Tết Nguyên đán 2024, giá lúa, gạo đã liên tục giảm mạnh.

Ghi nhận tại vựa lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tính từ ngày tính từ ngày 15/2 đến 25/2/2024 giá lúa đã giảm 1.800 - 2.000 đồng/kg. Trong mấy ngày trở lại đây, dù giá lúa đã dứt đà giảm song mức hiện tại không như kỳ vọng ban đầu của người nông dân.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch lúa Đông xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm.

Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân tại huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) cho hay, trước Tết Nguyên đán giá lúa ở mức cao, lúa thơm nhiều loại lên đến 10.000 đồng/kg. Kỳ vọng vụ Đông Xuân trúng mùa trúng giá, trong những ngày tết ông Bảy vẫn thường xuyên thăm ruộng. Tuy nhiên, ngay sau Tết khi lúa cho thu hoạch, giá lúa bỗng rớt mạnh. Đáng nói là nhiều thương lái đã bỏ “cọc” do giá lúa liên tục giảm. Hiện tại, ông phải chủ động tìm mối bán nhưng giao dịch rất ảm đạm do các doanh nghiệp khá dè dặt khi mua vào.

“Giá lúa thường tại ruộng tuần này lại giảm so với tuần trước gần 1.000 đồng/kg. Hiện giá bình quân chỉ còn trên 7.500 đồng/kg. Nhiều thương lái không tìm được người mua nên bỏ “cọc”. Hiện giá lúa rất khó đoán định nên số “cò” hỏi mua giảm mạnh. Lúa chín thì phải bán, không thể để rục ngoài ruộng nên dù giá giảm, nông dân vẫn phải bán”, ông Bảy nói.

Cũng như ông Bảy, ông Nguyễn Thành An ở xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) - cho biết: Từ ngày 27/2 gia đình ông bắt đầu thu hoạch 30 ha lúa Đài Thơm 8, năng suất ước đạt trên 1 tấn/công (công cắt 1.300 m2) song đến nay giá lúa không được tốt như kỳ vọng là trên 9.000 đồng/kg.

Theo ông An, giá lúa bắt đầu giảm liên tục từ sau Tết, đến nay đà giảm đã dứt nhưng giá không như kỳ vọng ban đầu bởi chỉ đạt 8.000 đồng/kg. Ông An còn lo ngại những diện tích sẽ thu hoạch vào cuối tháng 3 giá sẽ giảm thêm.

Tuy vậy, theo lý giải của GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, hiện nay dù giá lúa giảm nhưng vẫn ở mức cao trên 7.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân đảm bảo lợi nhuận trên 30%. Đây là điều lý tưởng với bà con nông dân trồng lúa. “Chúng ta không nên quá kỳ vọng về việc giá lúa lên 9.000 - 10.000 đồng/kg vì nó chỉ có tính thời điểm và cục bộ chứ không phải giá thật”- GS-TS Bùi Chí Bửu nói.

Thực tế, theo ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, những tháng cuối năm 2023 giá lúa tăng cao là do doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng, bán gạo trước, thời điểm giao hàng cuối năm cuối vụ... phải mua lúa bằng mọi giá, kể cả khi nông dân neo giá cao quá mức. Như vậy, thời điểm đó sức mua "nóng" mà nguồn cung hạn chế thì giá tăng. Nay "cầu" giảm, sức mua ít, giá lúa giảm là hết sức bình thường.

Năm 2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ghi nhận lợi nhuận thụt lùi vì nhiều lý do, trong đó có biến động về giá.

Vận hành theo quy luật thị trường

Câu chuyện giá lúa, gạo lên xuống bấp bênh không chỉ năm nay mà đã xuất phát từ nhiều năm qua. Theo đó, do thiếu liên kết, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ nên hầu hết nông dân bán lúa qua trung gian, “cò" lúa. Sau đó, “cò" lúa tiếp tục bán lại cho các thương lái ngoài tỉnh, ít ai bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp lớn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi giá lúa, gạo biến động mạnh thì thương lái là người hưởng lợi nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo một "cò" lúa tại Đồng Tháp giãi bày, họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp với nông dân và hưởng hoa hồng, nên khi doanh nghiệp không mua họ phải bỏ "cọc". "Thực ra các "cò" và nông dân cùng với doanh nghiệp quen biết nhau cả do làm việc với nhau nhiều năm rồi. Nhưng do hợp đồng cũ đã xuất khẩu hết ở năm 2023 và tháng 1/2024, từ tháng 2 hợp đồng mới chưa ký nên các doanh nghiệp thu mua rất ít, giao dịch thấp khiến giá lúa giảm", "cò" lúa này cho hay.

Còn đối với doanh nghiệp, trước đó, trong năm 2023, ngành gạo Việt Nam đã kinh doanh thành công ngoài mong đợi khi xuất khẩu lập kỷ lục 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Kết quả này có được do ngành gạo Việt Nam đã tận dụng thời cơ thị trường thiếu hụt và gia tăng xuất khẩu với giá cao. Dù vậy, không phải doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào cũng “gặt hái” thành công vì không ít doanh nghiệp lỗ nặng, thậm chí có những doanh nghiệp đã “rời cuộc chơi”.

Theo một thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu như giữa năm 2023 cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thì đến tháng 8 cùng năm đã giảm còn 170 thương nhân. Những doanh nghiệp thua lỗ, có thể kể như Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Doanh nghiệp này ghi nhận năm đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo báo cáo tài chính mới của Trung An được công bố gần đây, năm 2023 Trung An dù ghi nhận doanh thu đạt 4.484 tỷ đồng, tăng 18% nhưng lại lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 75 tỷ đồng). Một doanh nghiệp khác là Công ty CP XNK An Giang (Angimex) cũng nhận kết quả lỗ ròng cả năm 2023 lên 208 tỷ đồng (trước đó năm 2022 công ty này lỗ kỷ lục 234 tỷ đồng)…

Với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cả năm 2023 công ty này đạt doanh thu thuần 16.069 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Mặc dù vậy, dưới sự bào mòn của giá vốn và các khoản chi phí nên sau thuế, Lộc Trời báo lãi giảm 35,6% so với cùng kỳ khi chỉ còn hơn 265 tỷ đồng (năm 2022 doanh nghiệp này có doanh thu 11.690,62 tỷ đồng và lãi sau thuế 411,64 tỷ đồng).

Việc một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc phải rời thị trường được ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty sản xuất thương mại Phước Thành IV phân tích: Những doanh nghiệp không có hàng trong kho hoặc hàng trong kho ít nhưng đã ký đơn hàng lớn từ trước với giá thấp, thì sau khi xuất hết hàng tồn kho sẽ phải mua với giá cao để giao hàng, khi đó doanh nghiệp lỗ. “Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có doanh số lớn nằm trong trường hợp này. Họ thường mua gạo cung ứng cho hợp đồng tại thời điểm giao hàng, không có hoặc rất ít hàng tồn kho để tránh vay và chịu lãi suất. Các doanh nghiệp này dựa vào các nhà máy xay xát nhỏ để mua gạo và khi giá lúa gạo tăng lên thì họ sẽ bị lỗ”, ông Thành nhấn mạnh.

Năm nay, theo các chuyên gia, giá lúa, gạo lên xuống tiếp tục tái diễn, cùng với đó là nhiều yếu tố khách quan của thị trường như giá cước tàu biển tăng 300% so với cuối năm 2023 do căng thẳng khu vực Biển Đỏ, tỷ giá biến động… đã và đang tác động trực tiếp tới việc kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bối cảnh này đặt cả doanh nghiệp và người trồng lúa phải tính toán lại để làm sao cùng có lãi bởi suy cho cùng, khi tham gia xuất khẩu thì “tất cả đều theo quy luật của thị trường”.

Số thương nhân xuất khẩu gạo năm 2024 giảm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo danh sách này nếu so với thời điểm giữa năm 2023, số thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã giảm đi đáng kể. Cụ thể, trong danh sách hồi giữa tháng 8/2023, cả nước có tổng cộng 210 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng đến tháng 1/2024 chỉ còn 161 thương nhân (giảm 49 thương nhân).

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu với 36 thương nhân đủ điều kiện (giảm 1 thương nhân so với danh sách công bố hồi tháng 10/2023); tiếp đến là Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân.

Bộ Công Thương khuyến cáo giải pháp cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ

Trước căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ, từ cuối tháng 12/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản thông tin, khuyến cáo đến các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu một số giải pháp để hạn chế các tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Sang đầu tháng 2/2024, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình tại Biển Đỏ.

Tại cuộc họp này, Bộ Công Thương đã nêu một số giải pháp giúp các doanh nghiệp cũng như các hãng tàu biển tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải trong thời gian qua như: Đề nghị các hãng tàu cần nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về niêm yết, công khai giá cước vận chuyển, không áp đặt các loại phí, phụ thu không có cơ sở; khuyến nghị các doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa; trong đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm phải luôn đảm bảo rằng các hợp đồng vận chuyển có điều khoản về tình huống bất khả kháng, bồi thường khi gặp rủi ro…

Bài 3: Phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng gạo

Hà Duyên - Thùy Dương