Cử tri gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng

Bà Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quang Vinh.

Quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và từ việc tiếp công dân, bà Việt Nga cho biết cử tri đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục, rất lo ngại có thể thiếu sách giáo khoa trong năm học tới, có thể học sinh phải học bằng bản PDF nếu như nhà xuất bản không in kịp sách. “Nếu học sinh phải học bản PDF thì nội dung không có gì khác nhau. Nhưng điều quan trọng cử tri băn khoăn khi cải cách giáo dục phải đem lại việc dạy và học tốt hơn, thế nhưng riêng chuyện sách giáo khoa vẫn cứ loay hoay. Vậy việc dạy và học liệu có thể tốt hơn?” - bà Nga nêu vấn đề.

Cử tri mong muốn các ĐBQH có ý kiến về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

Bà Việt Nga cũng cho biết cử tri lo lắng khi chỉ số giá tiêu dùng CPI bắt đầu tăng. Nhất là giá điện tăng 3% trong khi các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn; thời gian tới người dân và DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là một bộ phận người dân nghèo, các hộ buôn bán nhỏ, công nhân, nông dân.

“Nông dân đang rất lo lắng khi các nguyên liệu cho chăn nuôi đều tăng giá rất nhiều, trong khi giá thành sản phẩm lại rẻ. Bên cạnh đó, người dân mong muốn sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi để luật sớm có hiệu lực từ đó sớm tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc” - bà Nga cho biết.

Bà Nga cho rằng cử tri mong muốn các ĐBQH có ý kiến về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; mong Chính phủ có sự điều hành linh hoạt hơn, để cuộc sống người dân bớt khó khăn. Cử tri mong chờ vào sự điều hành của Chính phủ để có giải pháp thực sự hiệu quả giữ vững sự ổn định của nền kinh tế. Cử tri mong việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông thì ngành Giáo dục phải khẩn trương rà soát chỉnh sửa lỗi sai sót trong bộ sách giáo khoa đã in, phải có bộ sách giáo khoa chuẩn cho học sinh. Đẩy nhanh tiến độ in sách để năm học mới, học sinh và giáo viên có đủ sách giáo khoa. Như thế mới đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Chính phủ rà soát lại nghị định về phòng cháy chữa cháy. Hiện các quy định trong nghị định nếu thực hiện được thì rất tốt, vì đó là các quy định rất khắt khe, nếu thực hiện được sẽ giảm thiểu số vụ cháy. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế chúng ta cũng nên xây dựng lộ trình phù hợp. Bởi nếu thực hiện ngay thì các DN sẽ gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Vai trò đặc biệt quan trọng của năm 2023

Bà Việt Nga cũng cho biết, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ĐBQH vô cùng vất vả khi họp Quốc hội. Có khi phải họp cả thứ 7, thậm chí phải họp ngoài giờ. Chỉ còn 1 ngày Chủ nhật nghỉ nghiên cứu tài liệu. Vào buổi tối, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ còn phải họp để tiếp thu ý kiến của ĐBQH và tổng hợp báo cáo.

Với câu hỏi: kỳ họp này có khối lượng dự thảo luật, nghị quyết xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu là rất lớn, lên đến 20 luật, nghị quyết, trong đó có những luật quan trọng là dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Vậy làm sao để luật đảm bảo chất lượng? Bà Việt Nga cho biết, thực ra, các ĐBQH đã vất vả trước khi diễn ra kỳ họp. Bởi mỗi khi Chính phủ gửi dự thảo luật, và tài liệu sang thì đã phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Các luật được đưa vào chương trình đều rất cần thiết để xem xét sửa đổi. “Nếu như chúng ta khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội thời điểm dịch bệnh Covid-19, mà giờ vướng mắc thêm về thể chế thì sẽ khó khăn trong điều hành. Tôi nghĩ rằng những luật đưa vào kỳ họp lần này rất cần thiết để sửa đổi và kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Các ĐBQH phải cố gắng và các cơ quan Quốc hội cũng phải cố gắng” - bà Nga nói.

Năm 2022, tăng trưởng GDP cả nước đạt kết quả rất cao 8,02%. Nhưng quý I/2023 lại chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, một số địa phương tăng trưởng âm. Bà Nga cho rằng cùng với nhiều tác động thì đây là thời điểm vô cùng khó khăn.

“Chúng ta đã dự liệu trước nhưng tôi cho rằng khó khăn chưa hết, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong nửa cuối 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ đã vô cùng quyết liệt, thành lập nhiều tổ công tác tới làm việc với các địa phương để trực tiếp tháo gỡ khó khăn và đôn đốc giải quyết công việc. Với sự vào cuộc quyết liệt như vậy chúng ta tin tưởng sẽ có sự phát triển khả quan hơn trong quý III, quý IV” - bà Nga nói.

H.Vũ