Đa dạng hóa các hình thức kích cầu du lịch

Một khu chợ đêm ở Băng-cốc, Thái-lan. Ảnh TÂN HOA XÃ

Chính phủ nhiều nước và công ty lữ hành trên thế giới đã tung ra các biện pháp nhằm kích cầu du lịch, trong bối cảnh “ngành công nghiệp không khói” chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Nỗ lực phục hồi ngành du lịch đã bước đầu đạt những dấu hiệu khả quan, song còn đối mặt không ít khó khăn phía trước.

Quang cảnh vắng vẻ đìu hiu là tình trạng chung ở các địa danh từng được coi là những “điểm đến” thu hút du khách khắp nơi trên thế giới. Từ thành phố Vơ-ni-dơ xinh đẹp nằm dọc biển A-đri-a-tích, miền bắc I-ta-li-a, tới tàn tích thành cổ Ma-chu Pi-chu của Pê-ru, hay các Kim tự tháp ở Ai Cập đều thưa vắng du khách. Thống kê của Pháp cho thấy, lượng khách du lịch đến thành phố Pa-ri, “kinh đô ánh sáng”, đã giảm tới 66% trong năm 2020, khiến doanh thu sụt giảm tới 12,1 tỷ ơ-rô so với năm 2019. Đại dịch khiến ngành du lịch Bô-li-vi-a thiệt hại ước tính khoảng một tỷ USD. Ngành du lịch đóng góp 4% đến 5% GDP hằng năm của quốc gia châu Mỹ này bị ảnh hưởng nặng nề, tác động trực tiếp tới 100.000 lao động và gián tiếp tác động tới 500.000 người khác.

Trong bối cảnh các nước ban hành chính sách “ngăn sông cấm chợ” đối với đường hàng không để ngăn chặn dịch bệnh, nhiều quốc gia coi du lịch nội địa là nhân tố quan trọng bù đắp cho những thiệt hại của ngành du lịch nói chung. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái-lan coi du lịch nội địa là thị trường chính trong ít nhất bốn tháng đầu năm nay, trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế vẫn diễn biến khó lường. Thái-lan lên kế hoạch về một chiến dịch kích cầu trị giá khoảng 166 triệu USD dành cho du khách từ 55 tuổi trở lên. Tổng cục Du lịch Thái-lan (TAT) có kế hoạch thông báo việc gia hạn thời gian trợ giá dành cho một triệu phòng nghỉ đêm ở khách sạn theo chương trình trợ cấp dành cho du khách nội địa. Chính phủ Thái-lan cũng thông qua kế hoạch tạo thêm tám ngày nghỉ đặc biệt trong năm 2021 nhằm kích thích du lịch. Trong khi đó, Xri Lan-ca đã triển khai thí điểm chương trình chào đón khách du lịch đến đảo quốc ở châu Á này bằng cách mở cửa trở lại một sân bay ở phía nam sau khi các sân bay quốc tế của nước này đóng cửa.

Tại Đông Bắc Á, nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch vào tháng 3 tới sẽ mở một trung tâm theo dõi sức khỏe dành cho khách du lịch nước ngoài trong thời gian lưu trú tại “đất nước Mặt trời mọc”. Theo đó, khách du lịch sẽ phải khai báo số hộ chiếu trên hệ thống cơ sở dữ liệu của trung tâm và nhập thông tin cập nhật hằng ngày về tình trạng sức khỏe của họ trong hai tuần. Trong khi đó, nhằm hỗ trợ giới doanh nghiệp hàng không và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Chính phủ Hàn Quốc quyết định triển khai loại hình sản phẩm mới có tên gọi “Bay du lịch quốc tế không hạ cánh”. Sử dụng dịch vụ này, hành khách không phải trải qua quy trình xuất, nhập cảnh, sẽ ngồi trên máy bay trong khoảng thời gian nhất định và máy bay sẽ bay qua không phận của nước khác mà không hạ cánh xuống quốc gia đó, sau đó quay trở lại Hàn Quốc. Theo gói dịch vụ này, hành khách sẽ được mua miễn thuế tương tự như khách du lịch thông thường. Ước tính, nếu mỗi chuyến bay thực hiện thành công với số lượng khoảng 70% ghế ngồi thì doanh thu của hãng hàng không đạt mức từ 20.000 đến 90.000 USD. Đây được coi là biện pháp thời vụ nhằm hỗ trợ ngành hàng không và dịch vụ hàng miễn thuế trong thời điểm gặp khó khăn.

Tui, tập đoàn du lịch lớn nhất thế giới của Đức, công bố báo cáo kết quả kinh doanh, trong đó ghi nhận khoản lỗ lên tới hơn ba tỷ ơ-rô trong năm tài chính 2019 - 2020. Tuy nhiên, TUI lạc quan rằng, việc có được vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ kích cầu du lịch trong năm 2021. Tập đoàn này đã nhận được 1,2 tỷ ơ-rô trong gói cứu trợ của Chính phủ Đức và một khoản vay trị giá 1,8 tỷ ơ-rô để vượt qua giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, chịu tác động chung của đại dịch đối với lĩnh vực du lịch của khu vực Trung Đông - châu Phi, Tuy-ni-di công bố một số biện pháp nới lỏng và hỗ trợ tài chính nhằm hạn chế tác động “tàn phá” của đại dịch. Các biện pháp được quốc gia Bắc Phi này đưa ra bao gồm cả việc chính phủ sẽ trả lương cho người lao động thất nghiệp trong ngành du lịch và hướng dẫn viên du lịch khoản trợ cấp hằng tháng khoảng 80 ơ-rô. Tại châu Mỹ, Bô-li-vi-a thông qua chương trình tăng ngày nghỉ lễ cho viên chức nhà nước, coi đây như một giải pháp nhằm kích hoạt ngành du lịch nội địa.

Tuyết Mai