Đạo diễn phim 'Người Hàm Rồng' - Đại tá NSUT Lê Đình Lâm về với tiên tổ

Đại tá, NSUT Lê Lâm (ảnh trên) là người còn lại cuối cùng của đoàn làm phim “Người Hàm Rồng” - một bộ phim đã gặt hái nhiều thành công trong lịch sử phát triển phim tài liệu chiến trường Việt Nam. Lúc sinh thời mỗi khi nói chuyện nghề, nhắc lại quá khứ về thời điểm giặc Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) nhằm ngăn chặn đường tiếp viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam ruột thịt. Quân dân Thanh Hóa anh hùng đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ trong chiến thắng Hàm Rồng vào hai ngày 3-4/4/1965 khi cuộc kháng chống Mỹ cứu nước bước vào đỉnh cao quyết liệt.

Phim phóng sự tài liệu “Người Hàm Rồng” của biên kịch Hoàng Văn Bổn (nhà văn), đạo diễn: Lê Đình Lâm, quay phim: Lê Văn Bằng, Vương Đức Cừ đã được đón nhận nồng nhiệt với những thước phim chân thật, xúc động nóng bỏng quay từ cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa. Bốn người của tập thể làm phim nói trên chỉ còn lại đạo diễn Lê Đình Lâm bây giờ mới về với tiên tổ. Còn ba vị nêu trên người thì hy sinh tại chiến trường, người đã mất cách đây cả chục năm. Đạo diễn Lê Đình Lâm không chỉ là người cuối cùng của đoàn làm phim “Người Hàm Rồng” mà ông từng là một nhân chứng sinh động của lịch sử.

Đạo diễn Lê Đình Lâm có lần nhớ lại: “Tôi cùng anh Bổn ngồi trong hang Mắt Rồng - ngay cầu Hàm Rồng, địch dùng tên lửa bắn xuống các trận địa, sau đó dùng máy bay F105, F4, A63 - mệnh danh “Kẻ đột nhập” oanh tạc. Chúng tôi ngồi quay tại đó trong suốt 2 ngày. Từ xử lý những thước phim quay ở trận địa đến khâu dựng phim chúng tôi đều muốn khẳng định vai trò của các nhân vật, càng đời thường càng có giá trị điện ảnh”. Lúc đó cả Điện ảnh quân đội có 6 chiếc máy quay phim CO 350mm của Liên Xô (hiện đại nhất thời đó (NV), đoàn làm phim “Người Hàm Rồng” được ưu tiên 1 chiếc.

Không mải mê đi theo các sự kiện (điều thường thấy ở các bộ phim tài liệu, nhất là tài liệu chiến tranh), đạo diễn Lê Đình Lâm đã tập trung khắc họa đậm nét các nhân vật từ dân quân tự vệ, công nhân Hàm Rồng, người nông dân, đến bộ đội chủ lực tham gia trận đánh. Đó là những công nhân ngày đêm bám máy, quyết giữ vững dây chuyền sản xuất không lùi bước trước khó khăn và sự khốc liệt; là những nông dân cần cù chất phác, đau xót trước những cảnh đồng ruộng bị tàn phá nhưng khi cần thì có thể hy sinh tất cả cho chiến thắng; là những cô gái lúc chạm trán với quân thù rất gan góc ngoan cường, nhưng ra khỏi trận địa vẫn cất cao tiếng hát. Thật khó mà quên được hình ảnh cô dân quân Nam Ngạn - Ngô Thị Tuyển - Anh hùng lực lượng vũ trang - nhỏ bé nhưng đã đi vào huyền thoại dân tộc với câu chuyện vác một lúc hai hòm đạn tiếp tế cho trận địa pháo cao xạ hay người nữ dân quân Nguyễn Thị Hằng - say nay trưởng thành từng kỳ là Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH… Bộ phim kết thúc trong bầu không khí tưng bừng chiến thắng. Hình ảnh tên giặc lái Mỹ to béo bên cạnh cô dân quân nhỏ nhắn đã nói lên sức mạnh của người Hàm Rồng.

Với những nhân vật trong phim “Người Hàm Rồng”, đạo diễn Lê Đình Lâm trở nên “nổi tiếng một phần cũng nhờ những nhân vật trong phim trở thành những người nổi tiếng”.

Cụ Lê Đình Lâm sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được gia đình và bệnh viện hết lòng chăm sóc, cứu chữa. Nhưng vì tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, cụ đã vĩnh biệt chúng ta vào hôì15 giờ 35 phút ngày 04 tháng 08 năm 2021 tức ngày 26 tháng 06 năm Tân Sửu, hưởng thọ 93 tuổi.

Cơ quan đơn vị và gia đình họ hàng cùng toàn thể thân hữu gần xa vô cùng thương tiếc tổ chức tiễn đưa Đại tá NSUT Lê Đình Lâm về nơi an nghỉ cuối cùng vào sáng ngày 6/8/2021 dương lịch tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Thông – Hà Nội.

Trong giờ phút đau thương này, chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp trong cuộc đời của Cụ Lê Đình Lâm từng trở thành đạo diễn phim thời sự tài liệu xuất sắc.

Cụ Lê Đình Lâm sinh ngày 01/10/1929 tại làngThổ Quan, nay là phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước.

Sau Cách mạng tháng tám mặc dù mới 16 tuổi phải vất vả đi làm công nhân kiếm sống, Cụ vẫn hăng hái tự nguyện tham gia dân quân tự vệ bảo vệ xóm làng vì cuộc sống yên bình của nhân dân.

Cuộc kháng chiến toàn quốc cuối năm 1946 nổ ra, sau 60 ngày đêm vượt mọi hiểm nguy trực tiếp chiến đấu ở mặt trận KhâmThiên, ngoại thành Hà Nội, Cụ Lê Đình Lâm lên Việt Bắc gia nhập quân đội hoạt động trong ngành quân giới sản xuất vũ khí cung cấp cho các lực lượng vũ trang đánh giặc.

Năm 20 tuổi, Cụ được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Vì vậy, ngoài việc sản suất vũ khí, Cụ còn làm công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục công nhân trong các tổ chức Công đoàn, Thanh niên và đặc biệt là tham gia tích cực trong phong trào Văn hóa, Văn nghệ cơ sở.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, Cụ trở thành cán bộ chính trị, Văn nghệ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật quân đội. Đầu tiên là làm Chính trị viên văn công Hậu Cần, tiền thân của nhà hát Chèo quân đội hiện nay.

Sau đó là làm trợ lý chính trị cho Tổng đoàn Văn công Tổng Cục Chính trị bao gồm cả Ca múa, Kịch nói, Chèo, Cải lương,…Và sau cùng vào năm 1960, Cụ Lê Đình Lâm về Điện ảnh Quân đội Nhân dân làm công tác biên tập, biên kịch, đạo diễn phim phóng sự tài liệu.

Thời kháng chiến chống Mỹ, Cụ Lê Đình Lâm cùng các tổ làm phim có mặt tại các vùng trọng điểm như Cồn Cỏ, Hàm Rồng, mặt trận Quảng Trị làm được nhiều bộ phim tài liệu chiến đấu giành được nhiều giải thưởng cao trong và ngoài nước như các phim: “Cồn cỏ anh hùng”, “Người Hàm Rồng”, “Quanh địa ngục Cồn Tiên, Năm 1972 lịch sử’’, v.v…

Trưởng thành trong lĩnh vực làm phim, Cụ Lê Đình Lâm được trên giao nhiệm vụ làm Phó Giám Đốc Điện ảnh Quân đội, kết hợp giữa làm phim và chỉ đạo nghệt huật. Cụ đã làm tốt nhiệm vụ trong cả lĩnh vực làm phim và hoạt động đối ngoại của đơn vị, được đồng đội và các đối tác trong và ngoài nước tin yêu, tín nhiệm.

Trở thành đạo diễn từ một người có chút ít năng khiếu văn nghệ, đối với cụ Lê Đình Lâm thì những thước phim chiến trường luôn luôn là lớp học của mình, học nghề từ những trận địa. Làng Thổ Quan - Hà Nội quê hương ông, không ai nghĩ được một ngày “Người Hàm Rồng” của ông và đồng nghiệp đã gây một chấn động lớn trong nước và quốc tế với nhiều giải thưởng (Bông sen vàng – Liên hoan phim 1968); Giải thưởng Giô-rít I-ven (Đức). Hai mươi bộ phim là con số không nhiều, nhưng ông đã có được rất nhiều Bông sen vàng, bạc với “Quanh địa ngục Cồn Tiên năm 1972 lịch sử”, “Cồn cỏ anh hùng”; “Chặng đường trên Điện Biên”…

Với 45 năm phục vụ quân đội, trong đó có 32 năm công tác ở Điện ảnh Quân đội, Cụ Lê Đình Lâm đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên năm 1984, cùngvới 9 huân chương các loại trong đó có 1 Huân chương Chiến công hạng ba và 1 Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích làm phim trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Về hưu với quân hàm Đại tá vượt khung, gần 30 năm qua, ngoài việc chăm lo giúp đỡ gia đình, Cụ Lê Đình Lâm còn tích cực hoạt động ở địa phương, làm tốt công tác Cựu chiến binh.

Thêm nữa, Cụ Lê Đình Lâm còn tham gia Câu lạc bộ Thơ Nam Đồng làm hàng trăm bài thơ ca ngợi,động viên bà con dân phố được chính quyền, đoàn thể địa phương và bà con tin yêu, quý trọng.

Cụ Lê Đình Lâm ra đi là một tổn thất lớn đối với gia đình và họ hàng thân thuộc cùng điện ảnh quân đội nhân dân. Nhưng mặt khác, Cụ cũng đã để lại cho con cháu và người thân một tấm gương đáng tự hào. Đó là tấm gương của một con người là “Bộ đội cụ Hồ” trọn đời phấn đấu vì nước vì dân; một tấm gương suốt đời học tập, rèn luyện, đáp ứngvới mọi nhiệm vụ khó khăn và trở thành người hữu ích.

Đặc biệt là giai đoạn cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, tai biến bại chân, Cụ Lê Đình Lâm vẫn làm tốt việc nhà và việc xã hội nên được con cháu thươngyêu, bà con dân phố quý mến, xứng đáng là một Đảng viên hơn 70 năm tuổi Đảng.

Vĩnh biệt Cụ Lê Đình Lâm! Chúng ta cầu mong cho hương hồn Cụ được an nghỉ ngàn thu khi rời cõi tạm về với tiên tổ.

Vũ Xuân Bân