Đẩy mạnh kinh tế vùng biên, An Giang sẽ nâng cấp Tân Châu lên thành phố

Cầu Tân An tại thị xã Tân Châu kết nối giao thông liên vùng với cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, tỉnh An Giang.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1369/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 3.536,7 km2, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Tây Bắc tiếp giáp với Vương quốc , phía Đông và Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp, phía Đông Nam tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, phía Nam và Tây Nam tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.

Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia…

Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN…

27 ĐÔ THỊ VÀO NĂM 2030

Theo quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh An Giang có 27 đô thị, gồm 01 đô thị loại 01; 01 đô thị loại 02; 02 đô thị loại 03; 12 đô thị loại 04 và 11 đô thị loại 05. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Tỉnh An Giang sẽ hình thành các đô thị động lực, gồm: TP. Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa…

TP. Châu Đốc: là đô thị xanh, là trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia...

TP. Tân Châu: là đô thị động lực phía Bắc, tập trung phát triển kinh tế vùng biên, đầu mối giao thương quốc tế tại cửa khẩu Vĩnh Xương…

Thị xã Tịnh Biên: là đô thị biên giới, đầu mối giao thương qua cửa khẩu Tịnh Biên, là trung tâm du lịch, thương mại, công nghiệp chế biên, chế tạo.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên: kết nối Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang với cảng biển Trần Đề, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ, logistics tại đô thị Long Xuyên.

Hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang): phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới… Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là đầu mói giao thương với Vương quốc Campuchia.

Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu: là không gian nằm theo trục giao thông quốc lộ 91, quốc lộ 80B và tuyến vận tải thủy (tuyến sông Mê Kông) kết hợp với hành lang biên giới; định hướng phát triển cụm liên kết về sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây gắn với đô thị sinh thái 2 bên bờ sông; phát triển du lịch sinh thái…

Để thực hiện mục tiêu này, An Giang đặt ra 03 nhóm mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng/năm; kinh tế số đạt trên 20% GRDP.

Tỉnh cũng sẽ phải thực hiện các đột phá phát triển về cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.

Tỉnh cũng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh…

HÌNH THÀNH CỤM CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN LƯƠNG THỰC

Về phương hướng phát triển, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, An Giang sẽ tập trung phát triển 03 nhóm sản phẩm chủ lực hiện có gồm: lúa gạo, cá tra, rau màu, cây ăn trái và 02 nhóm sản phẩm mới gồm: chăn nuôi bò và nấm ăn, nấm dược liệu. Chú trọng, nghiên cứu phát triển giống nông nghiệp, thủy sản và dược liệu.

Cùng với đó, tích tụ ruộng đất, cánh đồng lớn để hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung ở xa khu dân cư…

Đồng thời, xây dựng trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo, kết nối với các trung tâm đầu mối nông nghiệp, thủy sản khác của vùng.

Tỉnh cũng xây dựng các cụm liên kết công nghiệp chuyên ngành chế biến lương thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu tập trung; phát triển công nghiệp chế tạo phục vụ cho các lĩnh vực nông nghiệp; nâng cấp công nghệ cho các ngành chế biến các sản phẩm từ gạo, cá tra.

Bên cạnh đó, An Giang sẽ tập trung phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, như logistics, thương mại điện tử, thương mại quốc tế, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Ban Mai