Đề xuất mới về nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

Ảnh minh họa

Trên cơ sở quy định tại Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và yêu cầu đổi mới toàn diện công tác PBGDPL nói chung, Hội đồng phối hợp PBGDPL nói riêng theo tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg, Dự thảo Quyết định đã kế thừa một số quy định tại Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg, đồng thời bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới của Hội đồng phối hợp PBGDPL.

Cụ thể: Hội đồng phối hợp PBGDPL hướng dẫn thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL. Đây được xác định là kim chỉ nam, tư tưởng chủ đạo trong triển khai công tác PBGDPL nói chung, triển khai hoạt động của Hội đồng nói riêng.

Điều phối việc triển khai công tác PBGDPL mang tính liên ngành về lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đối tượng đặc thù. Quy định này phù hợp với tổ chức phối hợp liên ngành như mô hình Hội đồng phối hợp PBGDPL trong việc điều phối nguồn lực triển khai công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm và có nhiều sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể…

Hướng dẫn xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả; định hướng thực hiện các giải pháp đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL... Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, mang tính đổi mới, vì vậy cần sự tham mưu, tư vấn, hướng dẫn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm của Hội đồng để tháo gỡ điểm nghẽn, lựa chọn giải pháp hiệu quả, thống nhất, phù hợp và thiết thực để triển khai PBGDPL.

Bổ sung, phát triển quy định về việc xác định, lựa chọn, định hướng nội dung PBGDPL trọng tâm, đó là các vấn đề “dư luận xã hội quan tâm”; xác định nội dung chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội để phổ biến ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản… Việc bổ sung này với mục tiêu phát huy vai trò của Hội đồng trong tham mưu, tư vấn nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn hiện nay, phù hợp với định hướng chỉ đạo quy định tại Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg trong tình hình mới. Các quy định này không mâu thuẫn và không trái với Luật PBGDPL mà ngược lại, nếu được cụ thể hóa tại nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thì sẽ làm gia tăng chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL.

Về thành phần của Hội đồng, ở Trung ương, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định về Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng theo hướng Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.

Ở địa phương, dự thảo giữ nguyên như Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg.

Theo đó, thành phần Hội đồng cơ bản được giữ nguyên, không có sự xáo trộn nhiều ngoài việc kiện toàn chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực của Hội đồng, đồng thời bổ sung đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Nội chính để tương ứng với sự bổ sung thành phần của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương.

Theo Bộ Tư pháp, phương án này tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng trong việc thu hút, huy động đông đảo các thành viên của Hội đồng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tham gia đóng góp trí tuệ, ý kiến và chỉ đạo trực tiếp công tác PBGDPL về lĩnh vực quản lý thông qua các phiên họp Hội đồng, các đoàn kiểm tra và đóng góp ý kiến trực tiếp khi được tham vấn bằng văn bản; bảo đảm tính toàn diện trong tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp về công tác PBGDPL.

TQ