Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024 hướng đến xây dựng lại niềm tin

Những thách thức đang phải đối mặt

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 54 ngày 15-1 đã khai mạc tại thành phố Davos của Thụy Sĩ với chủ đề “Tái thiết lòng tin”. Đây là Hội nghị WEF Davos có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 250 bộ trưởng, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cùng nhiều chuyên gia, học giả uy tín toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một cuộc trao đổi tại Hội nghị WEF

Thủ tướng Chính phủ ạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị WEF 2024 theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ nước ta tại một trong những diễn đàn lớn và quan trọng nhất toàn cầu nhằm tiếp tục khẳng định đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển và các vấn đề quan tâm chung, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Dù đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu đã kết thúc, song hội nghị WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế - xã hội tại nhiều nơi trên thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường và nhiều bất ổn.

Cuộc xung đột quân sự - Ukraine cùng những đòn trừng phạt hà khắc của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Nga và Ukraine, mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD do lạm phát leo thang, giá nhiên liệu và lương thực tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành du lịch tê liệt và nhiều hệ lụy khác. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy thoái. Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới 2024 của Liên hợp quốc công bố đầu năm 2024 cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm từ mức ước tính 2,7% trong năm 2023 xuống 2,4% trong năm nay. Các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và hàng không, mới bước đầu phục hồi từ sau đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm nếu cuộc xung đột còn kéo dài.

Cuộc xung đột bùng phát đầu tháng 10-2023 giữa Phong trào Hồi giáo và Israel không chỉ khiến điểm nóng Trung Đông thêm bất ổn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế khu vực và thế giới. Cuộc xung đột này có nguy cơ lan rộng hơn ở khu vực được xem là “rốn dầu” của thế giới với sự tham gia của lực lượng Hezbollah ở Lebanon và mới đây nhất là lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và đang kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở Yemen nằm sát Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của lực lượng lực lượng Houthi vào tàu dầu và tàu hàng trên tuyến vận tải biển huyết mạch trên Biển Đỏ có nguy cơ làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng nhiên liệu và những linh kiện thiết yếu với kinh tế toàn cầu.

Rất đáng chú ý khi kết quả khảo sát mới nhất mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 8-1 vừa qua cho thấy, chỉ số niềm tin kinh tế tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sụt giảm vào cuối năm 2023 so với hồi đầu năm. Nguyên nhân là do những yếu tố làm lu mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế như giá các mặt hàng năng lượng cùng với lãi suất tăng cao hơn trong khi xuất khẩu giảm. Sự sụt giảm của chỉ số này cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế của EU đã giảm tốc.

Một nguy cơ mới nổi nhưng tác động được đánh giá không hề kém nghiêm trọng là sự phát triển mang tính bùng nổ của công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh những lợi ích tích cực, được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… song AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, trong đó có vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, khiến WEF trong “Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024” công bố trước thềm Diễn đàn đã cảnh báo tin giả do AI tạo ra là một trong những mối đe dọa lớn nhất trên toàn cầu trong năm 2024 này cũng như trong tương lai.

Thúc đẩy tăng trưởng trong thế giới biến động

Chính vì thế, Hội nghị WEF 2024 với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin” đã nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục niềm tin giữa những thách thức toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và những tiến bộ trong công nghệ như AI… Hội nghị năm nay với sự tham dự của các nhà lãnh đạo quốc gia, tổ chức, tập đoàn hàng đầu nhằm chia sẻ những ý tưởng, thảo luận hấp dẫn, đa chiều về triển vọng kinh tế thế giới, những xu thế mới và tầm nhìn phát triển toàn cầu; thúc đẩy, kết nối hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và trên các lĩnh vực giữa các nước và với các doanh nghiệp; đồng thời huy động sức mạnh tổng lực toàn cầu, nhất là hợp tác công - tư để tạo các động lực tăng trưởng mới, giải quyết các thách thức chung trong bối cảnh khó khăn, rủi ro, bất định hiện nay.

WEF cho biết, hội nghị tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp đối với 4 nhóm vấn đề, bao gồm: Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh, nhiều biến động; Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; AI là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thúc đẩy hợp tác trong thế giới nhiều biến động, với ưu tiên thảo luận tìm giải pháp cho những cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như đánh giá các cách thức xử lý những vấn đề mang tính cấu trúc gây chia rẽ ở các khu vực trên thế giới. Ngay sau đại dịch Covid-19, thế giới lại phải đối mặt với các vấn đề về địa chính trị, như là xung đột ở Ukraine rồi Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới, thế nên hợp tác giải quyết bất đồng là vấn đề cần bàn nhất lúc này bởi nếu không tìm ra được giải pháp, toàn cầu sẽ phải chịu những tổn thất khôn lường.

Về vấn đề xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới, hội nghị thảo luận, đề xuất cách thức tạo ra thêm nhiều việc làm và tăng trưởng cho giai đoạn tới. Theo đó, WEF kỳ vọng có thể đánh giá lại các cơ chế kinh tế hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm, trong đó nhấn mạnh cách tiếp cận lấy người lao động làm trung tâm để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới, với nhiều nguy cơ về tăng trưởng thấp.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của AI, hội nghị sẽ bàn thảo các vấn đề về ứng dụng và kiểm soát AI. Hiện dù còn rất nhiều lo ngại về nguy cơ và thách thức, nhưng AI đang được coi là động lực thúc đẩy cho phát triển kinh tế và xã hội. Vì vậy, theo WEF, cần có chính sách để tận dụng AI cho lợi ích xã hội, đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực khác như 5/6G và điện toán lượng tử.

Cuối cùng là chủ đề về chiến lược dài hạn cho năng lượng, thiên nhiên và khí hậu. WEF cho rằng, phát triển các phương pháp tiếp cận có hệ thống là điều cần thiết cho một thế giới không có khí thải CO2 và môi trường thiên nhiên trong lành hơn vào năm 2050 để đạt mục tiêu kiểm soát biến đổi khí hậu.

Trước những vấn đề lớn đặt ra, Chủ tịch WEF Borge Brende nêu rõ, các nhà tổ chức hội nghị đã mời được những nhà lãnh đạo có tiếng nói quyết định để cùng nhau tìm ra giải pháp cho những thách thức mà thế giới đang đối mặt. Những chia sẻ và được nhận thức chung, nhất là giải pháp đưa ra bởi những người ra định hàng đầu thế giới - là lãnh đạo quốc gia, tổ chức quốc tế và tập đoàn toàn cầu - vì thế sẽ tác động nhất định tới đường hướng phát triển của thế giới.