Đọc Thân phận đời người của nhà văn - nhà báo Phạm Thái

Chúng tôi chơi với nhau lâu nhờ cái tính thẳng thắn ấy của người miền Trung, được thể hiện qua những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống, không ngại đấu tranh với cái xấu, tiêu cực như là một bổn phận của các nhà báo chân chính. Anh từng có một số truyện ngắn, bút ký đạt giải cao ở cuộc thi viết do địa phương và cơ quan báo chí Trung ương, trong đó có truyện ngắn Ký ức chiến tranh.

Mới đây, anh đã tuyển chọn lại 20 tác phẩm gồm truyện ngắn, bút ký báo chí, ký văn học, phóng sự để in thành cuốn Thân phận đời người, sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Đọc qua các tác phẩm trong cuốn sách, bạn đọc có dịp gặp lại một Phạm Thái rất “bụi” trong cách viết văn, làm báo khi cùng anh rong ruổi từ Trăn trở Vạn Tường quê anh, qua Quy Nhơn: nhớ Hàn Mặc Tử, ghé thăm Nha Trang nơi có “những con sóng vồ vập liếm dần vào bờ cát” với truyện ngắn Dáng xưa rồi trở lên Đà Lạt thơ mộng - nơi anh sống và gắn bó trong phần lớn cuộc đời.

Qua cuốn sách, bạn đọc một lần nữa hiểu được nỗi trăn trở lớn lao của một nhà báo - nhà văn trước những vấn đề thế sự, về dư âm của chiến tranh với nhân - tình - thế - thái đang chi phối cuộc sống mà anh muốn góp một tiếng nói nhân văn.

Cũng vì trăn trở với mảnh đất cao nguyên nên chiếm nhiều nhất trong cuốn sách vẫn là các bài bút ký, phóng sự nói về Núi Bà và huyền thoại Langbiang, Bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt bằng con đường nào?, Tây Nguyên - đất gọi hồn, Khoáng sản ở Đà Lạt - Lâm Đồng rỉ máu. Không đơn thuần là miêu tả cảnh đẹp của núi rừng, thác hồ hay công trình kiến trúc mà qua các tác phẩm viết về Tây nguyên, tác giả đã đi thẳng vào các vấn đề vừa thời sự, vừa có tính khoa học trong bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa, khai thác khoáng sản để đặt ra vấn đề phát triển bền vững mà người dân không thể đánh đổi bằng mọi giá.

Tôi thích phong cách viết của Phạm Thái có sự pha trộn của ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, súc tích nhưng đồng thời cũng thấm đẫm chất văn chương. Và có vẻ chất văn chương trong các tác phẩm của anh dù là bút ký báo chí vẫn đậm hơn và như thế mới thể hiện được chất tự sự cùng những suy ngẫm mang tính triết lý trong con người anh.

Văn Phong