Giải Báo chí địa phương Trung - Nam Trung Bộ: Góc nhìn từ thực tiễn

Phóng viên tác nghiệp tại vùng mưa lũ. Ảnh: TL

Giống nhau và khác nhau

Qua khảo sát cho thấy, điểm giống nhau của giải báo chí các địa phương Trung-Nam Trung Bộ là Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ra quyết định ban hành quy chế, quy định, điều lệ giải, quyết định thành phần của hội đồng giải thưởng và giao Hội Nhà báo địa phương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức. Điều này đã xác lập vị thế của giải báo chí đối với báo giới và công chúng; vai trò của Hội Nhà báo địa phương vì thế cũng được nâng lên.

Để thu hút tác giả trên khắp mọi miền, các giải báo chí địa phương không bó hẹp đối tượng dự giải trong từng tỉnh, thành phố mà mở rộng cho mọi công dân có tác phẩm viết về địa phương, được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Việc mở rộng đối tượng dự giải không những tạo sự lan tỏa giải báo chí địa phương mà còn lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất để tôn vinh.

Nội dung đề tài cũng khá rộng, bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, với tiêu chí bắt buộc là phải thông tin chính xác, trung thực, khách quan, nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện và đạt hiệu quả xã hội. Hầu hết các giải báo chí địa phương đều cơ cấu nhóm giải theo 05 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, tuy nhiên không nhất thiết loại hình nào, thể loại nào cũng có các thứ hạng giải thưởng.

Cách thức tuyển chọn tác phẩm, chấm điểm và trao giải thưởng cũng có những quy định khá chặt chẽ. Chẳng hạn, khi chấm ở vòng sơ khảo, tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo không quá 2/3 số tác phẩm dự giải. Ở vòng chấm chung khảo lại tiếp tục lựa chọn không quá 2/3 tác phẩm để xem xét trao giải thưởng. Với tỷ lệ này hàng năm tác phẩm được trao giải thưởng chiếm không quá 50% tác phẩm dự giải.

Phần đông các ban giám khảo được lập ra theo từng loại hình báo chí, với sự góp mặt của các nhà báo có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm tác nghiệp ở mỗi loại hình. Có nơi mời cả những nhà báo có uy tín ở Trung ương và tỉnh bạn tham gia ban giám khảo làm tăng thêm tính khách quan trong việc thẩm định nội dung tác phẩm.

Thành phần hội đồng giải thưởng do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ấn định. Tác phẩm được ban giám khảo lựa chọn và đề nghị trao giải thưởng phải qua khâu thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Sự thẩm định này bảo đảm để các tác giả, tác phẩm được tôn vinh không vi phạm pháp luật, không vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Thời điểm trao giải thưởng cũng giống nhau, đó là vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hàng năm…

Bên cạnh những điểm giống nhau, giải báo chí các địa phương Trung Nam Trung Bộ cũng có sự khác nhau về cách làm. Cụ thể về tên gọi, tỉnh Quảng Nam không lấy tên địa phương mà lấy tên danh nhân đặt cho giải báo chí truyền thống của tỉnh: Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng.

Khác với các tỉnh, thành phố tổ chức giải hàng năm, Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng 02 năm trao giải thưởng một lần. Đây cũng là địa phương không giới hạn số lượng tác phẩm dự giải của từng tác giả. Trong khi đó, có địa phương quy định mỗi tác giả chỉ tham gia 01, 02 hoặc tối đa 03 tác phẩm; có nơi ngoài 01 tác phẩm “cứng” tác giả chỉ được thêm 01 tác phẩm khác cho một số thể loại mà địa phương thấy cần khuyến khích.

Về giá trị giải thưởng có nơi tính theo số lần mức lương cơ sở như ở Quảng Ngãi giải A bằng 10 lần (trước năm 2020), Bình Định 08 lần, Phú Yên 05 lần; có nơi quy định bằng số tiền cụ thể như giải A (hoặc giải Nhất) 15 triệu đồng (Khánh Hòa), 10 triệu đồng (Quảng Nam), 08 triệu đồng (Ninh Thuận). “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, sự khác nhau về cách làm và giá trị tiền thưởng cũng là điều dễ hiểu!

Giải Báo chí Quốc gia là mơ ước của không ít phóng viên nhà báo các Hội Nhà báo địa phương

Vướng mắc cần tháo gỡ

Giải báo chí là hình thức tôn vinh sự lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo, tuy nhiên trong thực tế, vẫn còn “vắng bóng” một số loại hình, thể loại được coi là chủ lực.

Tin là một ví dụ. Nhiều năm qua, ở 07 tỉnh, thành phố Trung Nam Trung Bộ có rất ít giải thưởng dành cho tin, mặc dù trong cơ cấu, tin luôn ở nhóm giải đầu tiên của mỗi loại hình. Ảnh báo chí, phóng sự điều tra, bình luận, ký báo chí cũng ít gặp.

Có địa phương quy định mỗi tác giả chỉ được gửi dự thi 01 tác phẩm, nhưng nếu tác phẩm đó là tin, ảnh báo chí, phóng sự điều tra, ký báo chí thì được cộng thêm 01 tác phẩm ở thể loại khác. Có thể hiểu đây là một sự khuyến khích về thể loại nhưng xem ra vẫn chưa hiệu quả.

Không ít địa phương bỏ kinh phí mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí nhưng đến mùa giải vẫn phải “đốt đuốc” tìm tác phẩm. Trước sự thiếu vắng một số thể loại, thay vì tìm cách tháo gỡ, một vài địa phương lại loại bỏ luôn tin và ảnh báo chí ra khỏi cơ cấu giải thưởng? Có lẽ đã đến lúc các cơ quan tổ chức giải cần để tâm nghiên cứu tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.

Cũng với vấn đề loại hình và thể loại, theo điều lệ, báo in và báo điện tử là hai loại hình độc lập. Ở mỗi loại hình có các nhóm thể loại như: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận; phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép. Tuy nhiên có lẽ vì ít tác phẩm, nhất là đối với báo điện tử, nên nhiều nơi gộp hai loại hình này làm một để trao giải thưởng.

Cách làm được cho là “linh hoạt” này khiến mất đi sự bình đẳng giữa các loại hình, đồng thời cũng làm thiệt thòi quyền lợi của tác giả. Về tính minh bạch của tác phẩm, với thể thức cắt dán bản in gốc của tác phẩm báo in và bản chụp từ giao diện điện tử của tác phẩm báo điện tử đã thể hiện rõ sự trung thực “giấy trắng mực đen”.

Tuy nhiên với tác phẩm phát thanh, truyền hình chỉ yêu cầu ghi trên đĩa CD hoặc USB kèm theo bản thảo có xác nhận của cơ quan báo chí. Sự thiếu chặt chẽ này có thể dẫn đến tác phẩm bị “độ chế” lại để đi thi, khác với nội dung được công bố lần đầu.

Thực tế, đã có tác phẩm phát thanh sau khi ban giám khảo chấm điểm và đề nghị trao giải nhưng sau đó phát hiện không trung thực đã phải hủy bỏ giải thưởng. Nên chăng, với phát thanh, truyền hình bắt buộc phải dẫn đường link tác phẩm.

Hiện nay, hầu hết các đài địa phương đều có trang thông tin điện tử nên yêu cầu dẫn đường link tác phẩm và các ban giám khảo chấm theo đường link tác phẩm là điều hoàn toàn khả thi. Mặt khác, một số điều lệ, thể lệ giải ở địa phương đã ban hành khá lâu, có điều lệ đã hơn 10 năm nên cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển của các loại hình báo chí.

Bản quyền tác phẩm cũng là vấn đề cần được nêu rõ trong điều lệ hoặc quy chế giải để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có. Được biết, tỉnh Phú Yên quy định sẽ thu hồi giải thưởng nếu phát hiện tác giả, tác phẩm có vi phạm. Đây là cách giữ vị thế, uy tín cho giải báo chí địa phương cần nên tham khảo./.

Hà Minh Đích