Chứng minh giao dịch thực hay lừa đảo
UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vừa có văn bản đề nghị công an thị xã, Chi cục Thuế vào cuộc xác minh thông tin về thương vụ mua bán lan var (lan đột biến) Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng "gây bão" dư luận thời gian qua, báo cáo Thường trực UBND thị xã trước ngày 23/3/2021.
Trước đó, vào ngày 15/3, cộng đồng mạng xôn xao về một thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.
Trên facebook của anh Nguyễn Văn Minh, người được cho là mua cây lan trị giá 250 tỷ đồng, đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan Var Đất Mỏ có tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng. Trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.
Chia sẻ trên Dân trí, ông Hoàng Văn Mạnh, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ Cục Thuế Quảng Ninh, cho biết: Ngay sau khi báo chí đăng tải thông tin về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn cước trị giá 250 tỷ đồng tại Quảng Ninh, cơ quan này bước đầu đã xác minh được bên chuyển nhượng là nhà vườn lan var Đất Mỏ tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).
Ông Mạnh cho biết, nhà vườn này đang nuôi trồng 12ha lan các loại. Còn thông tin về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn cước trị giá 250 tỷ đồng thì "cơ quan không nắm rõ".
Phía nhà vườn cho biết, toàn bộ số lan trong vườn hiện mới chỉ trong giai đoạn ươm cấy, nuôi trồng, không xác nhận việc mua bán.
Cũng theo ông Mạnh, đối tượng là hộ gia đình phát triển nông nghiệp không thuộc đối tượng quản lý của cơ quan thuế. Thuế chỉ quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
"Kể cả họ giao dịch bao nhiêu tỷ đi chăng nữa nhưng không phải là hộ doanh nghiệp thì ngành thuế cũng không theo dõi quản lý. Muốn làm rõ, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương phải vào cuộc chứng minh việc giao dịch đó là thực hay chỉ là lừa đảo", ông Mạnh nói.
Phông bạt cuộc giao dịch lan var trị giá 250 tỷ đồng gây bão cộng đồng mạng. Ảnh: VietNamNet
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND Thị xã Đông Triều cũng cho biết trên báo Thanh niên, qua xác minh ban đầu của địa phương thì các cá nhân liên quan đến vụ giao dịch trên đã không xác nhận việc mua bán.
“Hiện nay phía công an và cơ quan chức năng của thị xã vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ việc. Gần đây nhiều địa phương trong cả nước cũng có các cuộc mua bán lan var với số tiền hàng chục tỉ đồng nhưng đa phần có dấu hiệu không bình thường”, ông Bình cho biết.
Cũng trên báo Thanh niên, đại diện Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, sau khi có kết luận chính thức từ phía cơ quan công an và chính quyền thị xã Đông Triều, đơn vị này mới đủ căn cứ để xem xét truy thu thuế của các cá nhân có liên quan trong vụ "giao dịch khủng" nói trên.
"Nếu người mua giao dịch ngầm với nhau, không làm hợp đồng; không chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng thì khó có thể xác định được giá trị của vụ mua bán lan đột biến trên để truy thu thuế", vị đại diện Cục thuế tỉnh Quảng Ninh nói.
Trước thương vụ mua bán lan đột biến 250 tỷ đồng gây bão ở Quảng Ninh, cũng trong tháng 3 này, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam. Nhóm giao dịch để cả phông bạt, tên người bán, người mua.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Nam khẳng định 99% vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh có giá gần 19 tỷ đồng là giả. Cục Thuế Hà Nam đang chỉ đạo Chi Cục Thuế địa phương rà soát, làm rõ.
"Chúng tôi đã phối hợp với các phường, xã địa phương vào cuộc xác minh. Kết luận ban đầu 99% thương vụ trên là giả, các đối tượng nhờ các kênh khác nhau để đưa thông tin, gây sốt dư luận nhằm phục vụ các mục đích khác nhau", ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam nói với báo Dân trí.
Trả lời câu hỏi về trường hợp các đối tượng "lách luật" bằng cách trao đổi sản phẩm trồng trọt để không phải đóng thuế, ông Dương cho rằng: "Trồng lan có đặc thù riêng không cần đất đai, không đại trà nên việc quản lý các đối tượng này rất khó. Chỉ có các hội nhóm chơi lan với nhau tự đưa ra giá, giao dịch không hợp đồng, giấy tờ".
Trước đó, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây rúng động dư luận ở Phú Thọ, Hòa Bình trong năm 2020 đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, trường hợp người trồng lan đột biến đứng ra bán những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tự tay trồng sẽ không chịu bất kỳ loại thuế nào cho dù là giá cao đến đâu. Dù vậy, nếu là thương vụ bán theo hình thức thương mại, qua nhiều người sẽ phải chịu nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ giao dịch lan đột biến được cho là có giá vài chục tỷ đồng tại Việt Nam bị đánh thuế.
Sơn La quyết truy thu thuế giao dịch lan đột biến
Ngày 17/3, Cục Thuế tỉnh Sơn La đã có thông báo yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế.
Cục Thuế Sơn La thông tin, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Sơn La có các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoa phong lan đột biến gen có giá trị lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế tỉnh Sơn La, Chi cục Thuế khu vực các huyện, thành phố chưa nhận được hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh hoa phong lan đột biến gen.
Để thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, các chính sách thuế, chống thất thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, Cục Thuế tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen sẽ bị truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế hiện hành.