Hà Nội khuyến cáo người dân không cần mua hàng hóa thiết yếu để tích trữ

Ảnh minh họa, nguồn IT.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin về hàng hóa ngay sau khi Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 kể từ 0h ngày 19/7 trên địa bàn toàn Thành phố.

Theo bà Lan, với phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ) và 3 sẵn sàng (Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương), Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án bảo đảm hàng hóa thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.

Bà Lan thông tin lượng hàng hóa thiết yếu hiện đã tăng gấp 3 lần so với bình thường. Dự kiến, lượng hàng hóa chuẩn bị trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…

Để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, thành phố cũng đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện, thị xã để làm kho dự trữ hàng, bán lưu động khi cần thiết.

Về khối lượng, Sở Công thương cho biết đã dự trữ 836.000 tấn gạo; 167.346 tấn thịt lợn; 48.150 tấn thịt trâu, bò; 55.782 tấn thịt gia cầm; trên 1 triệu quả trứng gia cầm…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn căn cứ mức độ lây lan dịch để có các phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa cụ thể.

Bà Lan cũng cho biết thêm, đại diện các hệ thống siêu thị cũng cam kết, đã chủ động, sẵn sàng các phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30% đến 50%, đồng thời cam kết không tăng giá bán thời điểm này.

Đại diện Sở Công thương khuyến cáo “Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của chính người dân, thực hiện nghiêm quy định 5K.

Đặc biệt, không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Thành phố bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.