Hải Phòng: Chỉ đạo kiểm tra, xử lý hành vi xé bìa đỏ của Phó phòng Tài nguyên & Môi trường

Theo đó, ngày 09/3/2021, Văn phòng UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản số 631/VP-BC truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố về việc xác minh, xử lý nội dung mà Đời sống & Pháp luật đã đăng tải.

Hải Phòng chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu xử lý vi phạm (nếu có)

Phó Chủ tịch thành phố giao UBND quận Kiến An chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và quy định pháp luật, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.

Trước đó, ngày 06/3, Đời sống & Pháp luật đã đăng tải thông tin phản ánh về việc bà Đỗ Ngọc Lan – Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên & Môi trường UBND quận Kiến An, TP Hải Phòng đã xé tan bìa đỏ của người dân trước mặt nhiều người, ngay tại trụ sở UBND quận. Bà Lan cho rằng quy trình cấp sổ đỏ này có vấn đề cần kiểm tra lại.

Tuy nhiên bà Lan cho rằng bìa đỏ bị rách trong quá trình giằng co giữa bà và người dân. Ông Q. - người trực tiếp chứng kiến sự việc cho biết bìa đỏ bị rách là do bà Lan tự tay xé ra thành nhiều mảnh.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội), nếu là hành vi giằng co giữa bà Lan và người dân dẫn đến rách bìa đỏ cũng đã vi phạm vào Điều 17 Luật Viên chức 2010 quy định về nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp. Giả sử trong trường hợp bà Lan phát hiện việc các chuyên viên Phòng Tài nguyên & Môi trường xử lý hồ sơ và trình cho lãnh đạo ký không đúng quy trình hoặc có sai phạm khác thì phải đề xuất với lãnh đạo phòng chứ không được có hành động tự tiện, thiếu tôn trọng người dân và lãnh đạo mình như thế.

Theo quy định của pháp luật, phôi bìa đỏ (bìa đỏ chưa phát hành) là tài sản thuộc quản lý nhà nước, được quản lý chặt chẽ từ quy trình giao, cấp cũng như hủy bìa bị lỗi theo 3 cấp: Bộ Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng ĐKĐĐ tại các địa phương.

Hành vi tự ý xé bìa đỏ của bà Lan – nếu được xác định – là hành vi cố ý hủy hoại tài sản của Nhà nước. Thậm chí, hành vi này còn có thể bị khởi tố theo Điều 342 Bộ luật Hình sự, trong đó quy định: Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Cán bộ, công chức gây ra hành vi này còn phải đền bù tổn thất cho bị hại và chịu hình thức kỷ luật từ phía cơ quan đang công tác.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thành Đạt