Kết luận đau lòng: Ukraine đã quên cách thiết kế tàu chiến!

Hai tàu hộ tống có thể sẽ xuất hiện trong biên chế Hải quân Ukraine trong vài năm tới, khi mới đây Ukraine đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc đóng tàu chiến. Theo ông Oleksandr Aman, Tổng lãnh sự Ukraine tại Istanbul, 3,8 tỷ hryvnias (tương đương 1,5 tỷ USD) đã được phân bổ cho dự án.

Vào tháng 2/2020, Tư lệnh Hải quân Ukraine, Chuẩn Đô đốc Alexei Neizhpapa tuyên bố rằng, Ukraine sẽ có 5 tàu hộ tống lớp Ada. Đồng thời, con tàu đầu tiên sẽ được đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, và bốn chiếc nữa ở Ukraine. Sau khi kiểm tra năng lực đóng tàu của Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng tàu tại xưởng Nikolaev Ocean.

Các tàu hộ tống lớp Ada là một phần của dự án MiLGEM (dự án xây dựng Hải quân Ukraine tương lai), ngoài việc đóng các tàu hộ tống lớp Ada, dự án còn đóng 4 khinh hạm đa năng lớp Istanbul, 4 khinh hạm phòng không TF2000 và một tàu hộ tống trinh sát điện tử ELINT. Theo báo chí Nga, toàn bộ dự án MiLGEM trị giá 3 tỷ USD.

Các tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không phải là thứ duy nhất mà hải quân Ukraine sẽ bổ sung vào đội tàu của mình. Theo tính toán của nhà phân tích quân sự Ukraine Yuri Butusov, trong suốt năm 2020, Ukraine đã tích cực ký kết các hợp đồng và thỏa thuận mua và đóng tàu quân sự.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các thỏa thuận như vậy đã được ký với Bộ Quốc phòng Mỹ (mua 16 tàu cao tốc loại Mark VI), cũng như với Anh, quốc gia này cho Ukraine vay 1,25 tỷ bảng Anh, để chế tạo 8 tàu tên lửa tiến công nhanh.

Cuối cùng, còn có OSEA của Pháp, đang đóng 20 tàu tuần tra tại nhà máy đóng tàu Nibulon của Ukraine. Theo tin đồn, việc hoàn thiện các tàu tên lửa của Anh cũng sẽ được nội địa hóa một phần.

Và hiện giờ, đội tàu chiến của Hải quân Ukraine là một mớ “tạp âm”, bằng sự kết hợp giữa tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh, Pháp gồm tất cả tổng cộng 52 tàu; trong đó có 5 tàu hộ tống, 8 tàu tên lửa và 39 tàu tuần tra và sẽ tiêu tốn của Ukraine khoảng 3,7 tỷ USD ngân sách.

Như vậy dự án MiLGEM hoàn toàn phụ thuộc vào việc năng lực thiết kế tàu chiến của nước ngoài. Đội tàu chiến đấu của Hải quân Ukraine sẽ gần như gồm các tàu do ít nhất 5 quốc gia sản xuất; còn các tàu chiến do Ukraine thiết kế và chế tạo sẽ chiếm rất ít.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã được kế thừa một phần Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên Xô. Các cuộc đàm phán về vấn đề này rất khó khăn và kéo dài từ cuối năm 1991 đến tháng 5/1997.

Sau khi đàm phán kết thúc, Ukraine “được chia” 43 tàu chiến, 132 tàu xuồng nhỏ, 12 máy bay, 30 trực thăng, 227 cơ sở hải quân ven biển, một lượng đáng kể thiết bị, vũ khí, đạn dược và các tài sản khác.

Trong số các tàu này gồm một số tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống, tàu tên lửa và pháo; cũng như một “viên ngọc trai” Varyag TAVKR, ngày nay chính là tàu sân bay Liêu Ninh trong lực lượng Hải quân Trung Quốc.

Nhưng các tàu chiến được kế thừa của Liên Xô cũng dần hết niên hạn sử dụng và dần lạc hậu; nhưng điều không thể tha thứ là Ukraine đã bán phần lớn tài sản thừa kế này (trong đó nổi tiếng nhất là tàu sân bay đóng dở Varyag) hoặc phá hủy để làm phế liệu.

Tuy nhiên cũng có thể thông cảm cho lãnh đạo Ukraine khi đó, chính Nga cũng đã phải giảm bớt số lượng tàu chiến dư thừa và đưa chúng phù hợp với khái niệm mới. Nhưng sự lãng phí nhất đó là các nhà máy đóng và bảo dưỡng tàu của Hạm đội Biển Đen và Công ty Vận tải Biển Đen đã dần phá sản.

Nên nhớ, chỉ riêng công ty đóng tàu Nikolaev Ocean, vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, đã có khoảng 10 nghìn nhân viên, tương đương gần một nửa tổng số công nhân đóng tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ (23 nghìn người). Nếu duy trì tốt, các nhà máy đóng tàu này hoàn toàn cạnh tranh với các nhà máy đóng tàu trên thế giới.

Nhưng ngay cả sau sự phá sản và thu hẹp quy mô của những năm 1990, Nikolaev và các nhà máy đóng tàu khác của Ukraine đã đóng và sửa chữa lớn hàng trăm tàu. Cũng chính nhà máy Nikolaev Ocean, từ năm 2000 đến 2006 đã đóng ít nhất 55 tàu (tàu chở hàng rời, tàu container, tàu chở dầu, tàu kéo, v.v.).

Nếu giữ được quan hệ bình thường với Nga, các nhà đóng tàu Ukraine lẽ ra sẽ nhận được một phần đơn đặt hàng của Hạm đội Biển Đen Nga mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Và ngân sách của Ukraine sẽ có tiền để đóng các tàu chiến của riêng mình.

Đã 30 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng Ukraine thực sự chưa có một chiến lược xây dựng lực lượng hải quân của họ; giới lãnh đạo Ukraine chỉ “loay hoay” trong việc “thanh lý” mớ tài sản được hưởng từ Liên Xô.

Ví dụ: chỉ trong thập niên 1990, Công ty Vận tải Biển Đen đã mất ít nhất 150 tàu, ước tính khoảng 560 triệu USD. Tàu sân bay Varyag đã được bán cho người Trung Quốc như một mớ sắt vụn với giá 20 triệu USD, điều này thật lãng phí đối với một con tàu như vậy.

Với việc chính quyền mới của Ukraine ngả hẳn về phương Tây, họ đã công khai lộ trình theo hướng gia nhập NATO, vì vậy không phải ngẫu nhiên mà tất cả các tàu chiến mới cho Hải quân Ukraine, đều do các thành viên của khối quân sự này cung cấp. Và ngay cả khi các tàu hộ tống là của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vũ khí tên lửa trên tàu là của Mỹ.

Nói cách khác, số tiền khổng lồ 3,7 tỷ USD cho việc xây dựng Hải quân Ukraine hiện nay, như một “món quà” ra mắt NATO, giúp đưa Ukraine ngả hẳn vào “vòng tay” của NATO.

Yêu cầu của Ukraine trở thành thành viên NATO là một vấn đề; nhưng vấn đề khiến Nga lo ngại, là sau khi mua vũ khí hàng tỷ USD từ NATO, những vũ khí này sẽ trở thành một phần của cơ sở hạ tầng của NATO ở khu vực Biển Đen, khu vực địa chiến lược của Nga. Nguồn: Warfog.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine suýt nữa kéo hai quốc gia vào một cuộc chiến tranh mới. Nguồn: BBC.

Tiến Minh