Khi 'vua tăng' của Malaysia chết máy giữa đường, gây ùn tắc giao thông

Cộng đồng mạng Malaysia cuối tuần qua xôn xao vụ việc 2 phương tiện của quân đội hỏng hóc giữa đường gây ùn tắc giao thông. Sự cố đầu tiên xảy ra hôm 26/8 khi xe tăng PT-91 Twardy của quân đội Malaysia trục trặc động cơ trên đường cao tốc gần tòa nhà quốc hội.

Các ảnh chụp trên mạng xã hội cho thấy giao thông ùn tắc quanh khu vực hiện trường, buộc sĩ quan quân đội và cảnh sát phải can thiệp để lưu thông các phương tiện.

Chưa đầy 24 giờ sau, một xe tải quân sự Malaysia tiếp tục chết máy trên tuyến đường đông đúc gần Bảo tàng Quốc gia, trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, ngày 27/8. Video trên mạng xã hội cho thấy xe tải này đang chở theo một xe tăng.

Một nhóm thợ cơ khí hoàn tất sửa chữa vào 12h30 cùng ngày. Xe tải tiếp tục hành trình đến Quảng trường Độc lập, nơi Malaysia tổ chức sự kiện mừng quốc khánh vào ngày 31/8. Cả hai phương tiện gặp sự cố đều tham gia diễn tập cho lễ diễu hành mừng quốc khánh.

"Chúng tôi xin lỗi vì hai sự việc gần đây và sẽ đảm bảo chuyện này không lặp lại", quân đội Malaysia cho biết.

"Trong trường hợp tái diễn, một nhóm cứu trợ thường trực sẽ được triển khai đến hiện trường nhanh nhất có thể để kéo phương tiện gặp sự cố đến nơi khác, tránh gây ùn tắc giao thông", quân đội Malaysia nhấn mạnh.

Sự việc thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội ở Malaysia. Một số châm biếm tình huống trong khi số khác chỉ trích quân đội vì bảo dưỡng kém các phương tiện.

Malaysia đã đặt mua từ Ba Lan 48 chiếc xe tăng chủ lực PT-91 để trang bị cho lục quân nước này.

PT-91 Twardy là dòng xe tăng chủ lực của Ba Lan, chúng được phát triển dựa phiên bản nâng cấp sâu dựa trên T-72M1 với việc bổ sung thêm nhiều công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn NATO, sức mạnh của PT-91 được đánh giá ngang ngửa với T-90 đời đầu của Nga.

Ra đời vào năm 1991 - ngay sau khi Liên Xô tan rã, PT-91 Twardy đã chứng tỏ được khả năng tự lực của ngành công nghiệp quốc phòng Ba Lan cũng như cách giúp xe tăng T-72M1 nói riêng và dòng xe tăng T-72 nói chung tiến vào thế kỷ 21.

So với phiên bản gốc, PT-91 của Ba Lan có hệ thống giáp bảo vệ hiện đại hơn, hệ thống kiểm soát hỏa lực đời mới và động cơ được nâng cấp.

Quá trình chế tạo PT-91 kéo dài từ năm 1991 đến tận năm 2002, với tổng số 232 chiếc xuất xưởng.

Bắt đầu từ năm 1993, Bộ quốc phòng Ba Lan bắt đầu trang bị những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 đầu tiên vào biên chế quân đội nước này để tiến hành thực nghiệm, đánh giá chất lượng của gói nâng cấp này.

Có tổng cộng 394 khối giáp phản ứng nổ ERAWA che chắn phía trước thân xe và tháp pháo, được bố trí với mật độ rất dày giúp xe tăng chống chịu trước đòn tấn công của vũ khí chống tăng.

Trong khi đó lớp giáp của xe được cải tiến hoàn toàn với giáp làm bằng composite. Phần trước và hai bên thân xe được ứng dụng công nghệ giáp phức hợp nhiều lớp.

Vũ khí chính của PT-91 là pháo nòng trơn 125 mm với hệ thống nạp đạn tự động (cơ số đạn 42 viên).

Hệ thống nạp đạn tự động của PT-91 được đánh giá là hoạt động ổn định giúp xe có thể khai hỏa với tốc độ từ 8 tới 10 viên mỗi phút.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực trên xe được các kỹ sư Ba Lan chế tạo lại bao gồm hai kiểu ngắm bắn ban ngày và ban đêm riêng biệt, trong đó kiểu ngắm bắn ban đêm sử dụng cảm biến nhiệt.

Hệ thống laser đo khoảng cách tới mục tiêu và hệ thống xử lý dữ liệu đường đạn tiên tiến giúp xe có thể khai hỏa trong mọi điều kiện thời tiết và ngay cả khi hành tiến.

Vũ khí phụ gồm súng máy đồng trục PKT 7,62 mm (cơ số đạn 2.000 viên) và súng máy phòng không NSVT 12,7 mm (cơ số đạn 300 viên).

PT-91 có tổng trọng lượng 48,5 tấn, chiều dài 6,86 mét và có chiều rộng 3,7 mét. Xe có kíp chiến đấu ba người

Động cơ của PT-91 là loại PZL-Wola S-1000R sử dụng nhiên liệu diesel có công suất 1.000 mã lực (735 kW) ở vòng tua máy 2.000 vòng/phút, cho tốc độ tối đa 70 km/h, tầm hoạt động 480 km.

Xe leo được dốc 60%; đi trên mái taluy có độ nghiêng tới 50%; vượt vật cản cao 0,85 m; vượt hào rộng 2,8 m; lội nước sâu 1,4 m khi không chuẩn bị hoặc 5 m khi lắp thêm ống thở.

Việt Hùng