Khơi thông nguồn lực văn hóa của Thủ đô

Biểu diễn nghệ thuật trong tua du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long (Ảnh chụp trước ngày 30-4).

Xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, thành phố đề ra mục tiêu, giải pháp đột phá để khơi thông nguồn lực văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nhận thức mới về vai trò của văn hóa

Hà Nội có hệ thống di tích, di sản dày đặc. Cùng với đó, văn hóa ứng xử cũng là một “kho báu” riêng có của thành phố. Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Thành ủy Hà Nội nhiều nhiệm kỳ qua và được xây dựng thành chương trình hành động cụ thể. Kế thừa những thành quả đã đạt được của Chương trình số 04-CTr/TU trong những nhiệm kỳ trước, Thành ủy Hà Nội khóa 17 đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình đã đưa ra nhiều nhận thức mới, đề xuất những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người.

Chương trình số 06-CTr/TU đề ra mục tiêu: Phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thật sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân Thủ đô.

Thành ủy Hà Nội đề ra bảy nhóm chỉ tiêu cụ thể và ba yêu cầu. Trong đó, Chương trình số 06-CTr/TU yêu cầu văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, yêu nước, nhân ái, sáng tạo, thanh lịch, văn minh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ yếu tố phát triển văn hóa và xây dựng con người trong quá trình phát triển kinh tế. Từ mục tiêu đó, Thành ủy Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan nhà nước; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị văn hóa sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội... Các giải pháp được đưa ra gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình số 06-CTr/TU; huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa, xã hội, chú trọng nguồn lực xã hội hóa. Thành phố tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao vai trò quản lý nhà nước và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế. Thành phố ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho phát triển văn hóa, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa. Chương trình số 06-CTr/TU nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực này trong tình hình mới.

Để văn hóa trở thành động lực phát triển

Lâu nay, văn hóa thường được hiểu là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giải trí, văn hóa quần chúng… Nhưng từ nhận thức mới do Chương trình số 06-CTr/TU đưa ra, nội hàm của khái niệm xây dựng văn hóa đã được mở rộng. Không chỉ là các hoạt động nghệ thuật, giải trí nhằm nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, văn hóa còn đóng vai trò trực tiếp vào phát triển kinh tế, nhất là thông qua công nghiệp văn hóa. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Chương trình số 06-CTr/TU nêu rõ, cần sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế đặc thù trong lĩnh vực di sản, nghệ thuật, văn hóa cơ sở, thể dục, thể thao, giáo dục… Xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; có phương thức lồng ghép, tích hợp các nhiệm vụ của cơ sở, ban, ngành cho nhiệm vụ phát triển văn hóa. Nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển mô hình du lịch di sản, ẩm thực, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo khởi nghiệp, gắn kết du lịch với các ngành công nghiệp văn hóa...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương - cơ quan thường trực của Chương trình số 06-CTr/TU cho biết, Sở sẽ tham mưu với UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình trong cả nhiệm kỳ, bao gồm ba nhóm vấn đề: Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025... Những nội dung Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được Thành ủy giao chủ trì, phối hợp thực hiện gồm: Xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa; kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO của thành phố Hà Nội; tuyên truyền hai quy tắc ứng xử do thành phố ban hành; hoàn thiện, phát huy hiệu quả quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng trên địa bàn thành phố… Để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, Sở xác định, nhiệm vụ cần được ưu tiên là xây dựng dự thảo nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 để Ban Thường vụ Thành ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ở hội nghị sớm nhất. Nghị quyết chuyên đề này sẽ tiếp tục tạo hành lang để phát huy các nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giang Nam