Không cần vữa, người Inca xây thánh địa Machu Picchu tài tình thế nào?

Nằm trên một sườn núi trong thung lũng Urubamba ở Peru, cách thành phố Cusco khoảng 80 km về phía Tây Bắc, thánh địa Machu Picchu là di tích nổi tiếng của đế chế Inca tồn tại đến ngày nay.

Mỗi năm, hàng triệu du khách ghé thăm "thành phố đã mất" Machu Picchu của người Inca để chiêm ngưỡng và tìm hiểu những bí mật về địa điểm này.

Trong số này, quá trình xây dựng Machu Picchu ẩn chứa bí mật thú vị khiến giới chuyên gia cũng như công chúng bất ngờ.

Người Inca xây dựng Machu Picchu theo lệnh của hoàng đế Inca Pachacuti (1438 - 1472) nhằm ăn mừng chiến thắng sau khi thu phục được bộ tộc Chancas.

Điều thú vị là tất cả các công trình ở Machu Picchu đều được hoàn thành với những bức tường đá không dùng vữa. Cách xây dựng này giống với người Ai Cập cổ đại làm với kim tự tháp.

Theo các chuyên gia, người dân Inca là những bậc thầy trong việc xây dựng các bức tường đá không cần dùng đến vữa.

Kỹ thuật xây dựng này được người Inca gọi là đá khối. Điều này có nghĩa họ khai thác những khối đá lớn rồi vận chuyển đến nơi xây dựng.

Tiếp đến, người Inca cắt, mài nhẵn bóng các khối đá để có thể ghép được vào nhau thật chặt mà không dùng tới vữa hay bất cứ chất kết dính nào.

Những khối đá được xếp hoàn hảo vào với nhau tới mức một tờ giấy hay lưỡi dao mỏng không thể lọt qua khe hở giữa các phiến đá.

Nhờ vậy, Machu Picchu trở thành địa điểm lưu dấu thành tựu vĩ đại của người Inca trong lĩnh vực kiến trúc khiến hậu thế ngưỡng mộ và thán phục.

Mời độc giả xem video: Peru: Phát hiện 11 ngôi mộ cổ. Nguồn: THĐT1.

Tâm Anh (theo LS)