Kinh doanh trên nền tảng số kết nối nhu cầu tiêu dùng tại Đông Nam Á

Nghiên cứu công bố ngày 11/8 của tổ chức tài chính và kiểm toán toàn cầu Ernst & Young (EY) về xây dựng hệ sinh thái số hóa đang cho thấy chuyển đổi số là một nhu cầu cấp thiết thay đổi cuộc chơi chiến lược, tạo giá trị lâu dài bền vững và đem lại những lợi ích cạnh tranh to lớn cho doanh nghiệp.

Kết quả thực tiễn đang minh chứng xu thế này, những ứng dụng cao cấp thế hệ mới trên nền tảng số đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư Đông Nam Á với dòng tiền đổ vào lên đến 43 tỷ USD trong giai đoạn năm 2016 - 2019.

Theo giới phân tích, xu hướng này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, cùng với hệ sinh thái số phát triển tại Đông Nam Á, có tiềm năng tạo ra cơ hội đạt doanh thu lên đến 23 tỷ USD vào năm 2025 từ con số khiêm tốn chỉ 4 tỷ USD vào năm 2019.

Hệ sinh thái tích hợp nhiều lĩnh vực được liên kết trên một nền tảng số hóa đáp ứng nhu cầu khách hàng là các nhà doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đa dạng cần cung cấp vô vàn sản phẩm và dịch vụ khác biệt cần thiết cho cuộc sống.

Báo cáo của EY chỉ ra rằng, nền kinh tế chia sẻ và tiêu dùng cộng sinh đang ngày càng gia tăng tại Đông Nam Á do lượng sử dụng internet lên đến 63% số dân cũng như tầng lớp trung lưu thành thạo công nghệ ngày một gia tăng nhanh chóng. Điều này mở hướng cho mô hình chia sẻ tài nguyên những lĩnh vực thiết yếu như du lịch, lưu trú, bất động sản,...

Chính dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng lại là nền tảng thúc đẩy mô hình phát triển hệ sinh thái số.

Trong buổi họp báo trực tuyến với các nhà báo khu vực châu Á trưa 11/8, ông Liew Nam Soon, Giám đốc EY phụ trách quản trị vùng Đông Nam Á cho rằng: “Hệ sinh thái số định hướng tiêu dùng đang hình thành tại Đông Nam Á nhằm đem đến những giá trị với tốc độ và quy mô chưa từng xảy ra.”

Theo các chuyên gia, chính dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng lại là nền tảng thúc đẩy mô hình phát triển hệ sinh thái số. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng các doanh nghiệp khởi nghiệp và người dùng thích ứng với tiêu dùng số.

Chính hai đối tượng này với nhu cầu cung ứng dịch vụ kết nối thông qua trải nghiệm tích hợp từ gọi xe, giao hàng, mua sắm đến dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, tài chính và phong cách sống.

Các nền tảng tích hợp của ASEAN hoạt động trải dài ở hàng loạt lĩnh vực như: gọi xe, giao thực phẩm, logistics, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe…

“Người tiêu dùng ngày nay mong muốn được phản hồi nhanh chóng, tiếp cận tốc độ và trải nghiệm cá nhân hóa. Hệ sinh thái số hóa giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị qua tăng trưởng doanh thu, có được đơn hàng tiếp cận thị trường mới, giảm chi phí mua sắm cho khách hàng và đặc biệt tăng cường và phát triển mối quan hệ khách hàng", ông Liew phân tích.

3 lựa chọn chiến lược?

Nhận thức được những cơ hội mà hệ sinh thái số đem lại, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc hợp tác chiến lược nhằm chia sẻ tài nguyên, dữ liệu và năng lực tạo ra nền tảng hệ sinh thái số.

Trong giai đoạn 2016 đến 2020, khu vực Đông Nam Á chứng kiến dòng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ với tổng giá trị lên tới 408,5 tỷ USD. Ứng dụng di động, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, internet vạn vật đang dần trở thành những lĩnh vực công nghệ thu hút dòng vốn đầu tư lớn.

Ông Joongshik Wang, Giám đốc chiến lược của EY tại Singapore và Đông Nam Á phân tích: “Tham gia vào hệ sinh thái số sẽ cho phép các doanh nghiệp trong khu vực thúc đẩy ảnh hưởng liên kết, phát triển mạng lưới kinh doanh tạo ra những giá trị cạnh tranh to lớn.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu như vậy, các doanh nghiệp cần có định hướng chiến lược chuyển đổi số đúng đắn và năng lực phù hợp. Câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp nên tự thiết kế hay là người tham gia vào hệ sinh thái số, có ba lựa chọn chiến lược doanh nghiệp cần suy tính: Mua, tự xây hay là đối tác”

Theo ông Wang, điều này phù hợp nhiều vào quy mô doanh nghiệp, vốn hóa giá trị, nền tảng khách hàng đối tác, năng lực xử lý công nghệ và mục tiêu định hướng kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, tăng trưởng trong tương lại của từng doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp truyền thống thường tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và băn khoăn xây dựng hệ sinh thái số. Tuy nhiên, chỉ khi nỗ lực dấn thân tham gia vào nền tảng thương mại điện tử, cơ hội mở ra là vô cùng to lớn với việc gia tăng nền tảng khách hàng thông qua cung ứng trải nghiệm tiện lợi đến khách hàng” - ông Wang chia sẻ.

3 yếu tố then chốt xem xét định hướng hệ sinh thái số

Nghiên cứu của EY đưa ra ba lĩnh vực các doanh nghiệp cần cân nhắc khi tiến hành định hướng hệ sinh thái số.

Trước tiên, cần đánh giá năng lực đáp ứng của doanh nghiệp để dự báo mức độ tiếp cận, thị trường định hướng, quy mô sản phẩm, dịch vụ, từ đó hình thành chiến lược thay đổi công nghệ cho phù hợp gắn kết với mục tiêu chuỗi giá trị theo đuổi.

Tiếp theo, cần xác định được mô hình kinh doanh phù hợp tương thích với mục tiêu và bản chất tiếp cận theo phương thức mở hay đóng của hệ sinh thái số, quy mô đối tác hợp tác và mô hình doanh thu, doanh nghiệp sẽ có mô hình tham gia phù hợp thích nghi.

Thứ ba là quyết tâm theo đuổi hiện thực hệ sinh thái số, khi đã định hướng được cơ hội, doanh nghiệp cần có quy trình hợp lý để thực thi phù hợp với lộ trình chuyển đổi.

Ông Liew cho rằng: “Tương tác số theo mô hình doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) hoặc doanh nghiệp đến khách hàng (B2C) là thiết yếu không chỉ thời điểm dịch hiện nay mà còn xuyên suốt chuỗi tiến trình phát triển doanh nghiệp".

Theo ông, doanh nghiệp cần chuyển đổi sao cho gắn kết song hành với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận. Một mô hình hợp tác phát triển phù hợp có thể là động lực trên hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần hiểu rõ mục tiêu chiến lược liệu có thể đạt được mức tăng trưởng kinh doanh cốt lõi, thâm nhập phân khúc thị trường mới thông qua nền tảng kinh doanh số, tối ưu hoạt động hoặc mô hình hợp tác. Chỉ có như vậy mới là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững trên hành trình số hóa kinh doanh hiệu quả trong đời sống doanh nghiệp.

Vũ Long