Kinh tế Trung Quốc phục hồi, nhưng đà tăng chậm lại

Ngày 16/4, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết tăng trưởng GDP quý I nước này đạt mức kỷ lục 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn dự đoán 18,5% và 19% của giới chuyên gia quốc tế theo khảo sát của BloombergReuters, nhưng vẫn cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đường quay trở lại với mức tăng trưởng của thời kỳ trước dịch Covid-19.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết xuất khẩu quý I tăng tới 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng 34,2% trong tháng 3, vượt mức kỳ vọng 28%. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp chỉ tăng 14,1% trong tháng 3, thấp hơn dự báo 17,2%. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến hết tháng 3 ổn định ở mức 5,3%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên 16-24 tuổi vẫn duy trì ở mức cao 13,6%.

Các nhà kinh tế thuộc ngân hàng J.P. Morgan cho rằng với kết quả quý I, tăng trưởng GDP Trung Quốc cả năm 2021 có thể đạt 9,3-9,5%, cao hơn nhiều so với con số dự báo 6% của Bắc Kinh. Trung Quốc và Mỹ sẽ là đầu tàu kéo tăng trưởng toàn cầu của cả năm 2021. Trước đó, giới chuyên gia dự báo GDP Mỹ năm nay đạt 6,2%, cao hơn hẳn các nền kinh tế lớn khác.

Trong một nhà máy lắp ráp ôtô tại Sơn Đông. Xuất khẩu Trung Quốc tăng mạnh trong quý I. Ảnh: AFP.

Dù vậy, theo Wall Street Journal, có không ít dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Con số 18,3% rất ấn tượng, nhưng vấn đề là quý I/2020, GDP Trung Quốc lao dốc mạnh vì tác động của đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Khi đó, nước này đóng cửa hàng loạt nhà máy, phong tỏa nhiều khu vực.

Trên thực tế, GDP Trung Quốc quý I chỉ tăng vỏn vẹn 0,6% so với quý IV/2020, thấp hơn nhiều so với dự đoán 1,4-2,6% của Bloomberg.

Năm ngoái, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương. Xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu tăng mạnh vào cuối năm nhờ nhu cầu thiết bị y tế và thiết bị làm việc tại nhà bùng nổ. Tuy nhiên, Fortune dẫn lời nhà kinh tế Bo Zhuang thuộc hãng TS Lombard (Sngapore) nhận định đằng sau con số xuất khẩu ấn tượng của Trung Quốc là điểm yếu đáng kể.

Chuyên gia Zhuang cho biết xuất khẩu quý I năm nay của Trung Quốc tăng 13,5% so với cùng kỳ 2019. Trong tháng 1 và 2, xuất khẩu tăng trung bình 15,3%, nhưng sang tháng 3 chỉ còn tăng 10,1%. “Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đang chậm lại. Tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu đang dần hụt hơi”, ông cảnh báo.

Tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong quý II khi các quốc gia đẩy mạnh tiêm chủng vaccine chống Covid-19 và mở cửa nền kinh tế. “Trung Quốc sẽ đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt về xuất khẩu. Trong quý II, tăng trưởng Trung Quốc sẽ không còn được xuất khẩu hỗ trợ nhiều”, chuyên gia Bruce Pang của ngân hàng China Renaissance (Hong Kong) dự báo.

Trong một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải. Tiêu dùng là điểm sáng của kinh tế Trung Quốc trong quý I. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng than phiền về tình trạng lợi nhuận sụt giảm. Nguyên nhân là giá nguyên liệu thô và chi phí vận tải toàn cầu tăng vọt. Một số doanh nghiệp tiết lộ lợi nhuận giảm tới 30%.

Trung Quốc có thể nhờ cậy vào tiêu dùng trong nước để bù đắp cho xuất khẩu. Tính cả quý I, doanh số bán lẻ tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,86% so với quý IV/2020. Dù vậy, chuyên gia Zhuang cho rằng tiêu dùng trong nước có thể không đủ sức bù đắp cho các con số công nghiệp hụt hơi của Trung Quốc.

Nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc GDP Trung Quốc chỉ tăng 0,6% so với quý IV/2020 cũng là điều bình thường, vì tăng trưởng giai đoạn cuối năm ngoái quá mạnh. “Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi”, WSJ dẫn lời nhà kinh tế Serena Zhou của Mizuho Securities nhận định.

Bà Zhou dự báo doanh số bán lẻ và xuất khẩu sẽ hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Nửa cuối năm, xuất khẩu sẽ giảm vì các nền kinh tế khác hoạt động mạnh mẽ trở lại.

Minh Phụng