Lẩu thuyền chài – món ăn dân dã, hấp dẫn ngày đông

Chế biến đơn giản

Lẩu thuyền chài là món ăn sử dụng những nguyên liệu gần gũi, sẵn có

Ông Nguyễn Quang Thuấn từng có gần 30 năm làm nghề chài lưới trên sông Luộc, đoạn giáp ranh giữa hai huyện Tứ Kỳ của Hải Dương và Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ông là người khá rành về món lẩu thuyền chài. Từ khi còn nhỏ, ông thường xuyên được thưởng thức món ăn này do ông nội và cha nấu ngay trên thuyền.

Ông Thuấn cho biết ngư dân trong quá trình hành nghề trên sông nước thường mang theo nồi và một số nguyên liệu, gia vị để nấu ăn. Món lẩu thuyền chài thực chất là một món canh, sử dụng các nguyên liệu gần gũi, sẵn có và cách chế biến thì vô cùng đơn giản. Cá, tôm dù to hay nhỏ, loại nào cũng có thể dùng để nấu món này. Đến bữa, ngư dân bắc bếp đun sôi một lượng nước vừa đủ, cho mẻ, sả, vài quả cà chua, khế chua hoặc me tươi vào ninh tới nhừ. Cá, tôm làm sạch bỏ vào nồi nước sôi sùng sục, gặp nước chua thì thịt trở nên trắng phau, không còn mùi tanh. Gia vị nêm nếm gồm có muối trắng, mì chính và đặc biệt là mắm tôm - thứ gia vị đặc trưng không thể thiếu cho món lẩu thuyền chài. Khi cá chín, rắc rau thì là, rau ngổ, rau răm thái nhỏ và ớt vào là có ngay một món ăn thơm ngon, ấm bụng. “Khi ăn nóng cảm nhận được vị ngọt thơm tự nhiên của thịt cá, chua dịu và cay của nước dùng”, ông Thuấn miêu tả.

Không biết từ bao giờ lẩu thuyền chài đã trở thành một món ăn khá phổ biến ở cả thành thị tới nông thôn. Tại Hải Dương, món ăn này thường được người dân chế biến vào mùa đông, không ít nhà hàng cũng làm để phục vụ thực khách. Người ta có thể sử dụng nhiều loại cá để chế biến, từ trắm, chép, rô phi đến các loại cá da trơn, thậm chí là một số loại cá biển. Cách làm lẩu thuyền chài hết sức đơn giản, nguyên liệu luôn có sẵn ngoài chợ. Mỗi nơi có cách chế biến nước dùng riêng nhưng tựu trung là không sử dụng dầu mỡ.

Phần thân cá được cắt miếng vừa ăn, ướp cùng gia vị trước khi cho vào nồi lẩu

Mùa này, anh Nguyễn Văn Huấn ở Nam Sách thỉnh thoảng lại vác cần ra câu cá ngạnh, cá nheo ở sông Thái Bình về làm lẩu thuyền chài. Anh Huấn cho biết so với cá nuôi, cá sông tuy nhỏ nhưng khi ăn sẽ cảm nhận được hết sự tinh túy, thơm ngon của món lẩu này. Cá sau khi câu về được anh làm sạch, cắt bỏ phần đầu. Phần thân cá sẽ cắt thành từng khúc vừa ăn, rắc sả, thì là, ớt băm nhỏ và một chút nước mắm trộn đều rồi bày ra đĩa, trang trí cho bắt mắt.

Anh Huấn sử dụng phần đầu cá ninh cùng một số loại quả, cây gia vị để lấy nước dùng như me, cà chua, khế chua, dứa, sả, ớt. Anh nướng một củ gừng to, rửa sạch, đập dập rồi cho vào nồi nước dùng nhằm tạo độ thơm và khử tanh. Khi nêm nếm gia vị, anh Huấn cho bột canh, hạt nêm, mì chính, nước mắm, mắm tôm và mẻ. Nước dùng khi đã nấu chín thì cho ra nồi, bắc lên bếp lẩu để sôi lăn tăn. Khi ăn, anh cho từng khúc cá đã ướp trước đó vào nồi, đợi đến khi chín gắp ra bát, rắc lên một chút rau gia vị gồm thì là, rau ngổ, rau răm, hành tươi thái nhỏ rồi chan nước vào thưởng thức. Anh Huấn pha thêm một bát nước mắm gừng, ớt để chấm. “Tùy vào khẩu vị mỗi người để điều chỉnh vị chua cay của nước dùng cho phù hợp. Khi ăn nhúng thêm các loại rau dọc mùng, cải xoong, cần, cải cúc, mùng tơi. Nước lẩu dùng để chan bún cũng rất thơm ngon”, anh Huấn chia sẻ.

Một lần nhớ mãi

Lẩu thuyền chài mang hương vị đồng quê, thanh tao nhưng lại dễ gây ấn tượng với những người lần đầu được thưởng thức

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh sống tại Hà Nội vẫn chưa thể quên lần đầu được thưởng thức món lẩu thuyền chài khi về quê chồng ở huyện Tứ Kỳ 5 năm về trước. “Lúc đầu nhìn người nhà làm tôi nghĩ cá nấu không rán qua mà đã bỏ vào nồi lẩu thì ăn có lẽ sẽ tanh lắm. Nhưng tôi đã nhầm. Vừa bưng bát lên miệng, tôi đã cảm nhận được mùi thơm hấp dẫn đến lạ. Cảm nhận đầu tiên khi thưởng thức món này là thịt cá rất ngọt, nước dùng có vị chua cay kiểu thanh đạm, không béo, ăn nhiều mà không ngán. Tôi đã học ngay công thức nấu để mang về Hà Nội. Từ đó, cứ vào mùa đông là kiểu gì nhà tôi cũng phải làm 2-3 bữa lẩu thuyền chài. Hai con tôi cũng rất thích ăn”, chị Ánh nhớ lại.

Nếu có trứng cá nấu cùng nước dùng, hương vị của món lẩu thuyền chài sẽ càng trở nên hấp dẫn

Anh Nguyễn Thành Đồng quê Nam Sách cũng mới lần đầu được thưởng thức lẩu thuyền chài cách đây chưa lâu tại nhà một người bạn cùng quê thông tin: “Ăn một lần mà nhớ mãi. Hôm đó bạn tôi còn mua mấy buồng trứng cá chép thả vào nước dùng nên trông càng bắt mắt. Khi ăn cảm nhận rõ được hương thơm đặc trưng của nước lẩu thuyền chài hòa quyện cùng thịt, trứng ngọt bùi khó cưỡng”.

Nhiều gia đình thường nấu lẩu thuyền chài khi mùa đông tới

Để tăng độ hấp dẫn cho món ăn trên, ngoài cá là chủ đạo, nhiều gia đình còn mua thêm mực và tôm tươi để nhúng cùng.

Mùa đông đến, trong tiết trời se lạnh, được quây quần cùng bè bạn, người thân xung quanh bếp lẩu thuyền chài bốc khói thơm nghi ngút chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đầy thú vị.

BÌNH MINH