Về sân chim Vàm Hồ thưởng thức món cơm chúa Nguyễn

Hướng dẫn viên du lịch làm món mắm sống trộn trái bần cho du khách thưởng thức ngay trên thuyền đang dạo sông Ba Lai

Khách thập phương khi đến vùng cửa sông Ba Lai nếu có dịp thưởng thức những món ăn dân dã ở đây thì sẽ nhớ mãi không quên. Trong đó, món cơm nguội ăn với trái bần xanh, mắm sống được dân gian gọi là cơm chúa Nguyễn (vua Gia Long Nguyễn Ánh) chắc chắn sẽ để lại ấn tượng khó phai sau một lần thử.

* Chèo ghe hái bần làm cơm chúa Nguyễn

Anh Võ Văn Duy Khanh, hướng dẫn viên của Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ cho biết, ở dòng sông Ba Lai, cây bần và cây dừa nước xuất hiện từ thời nào không ai rõ nhưng rễ cây luôn bám sâu vào lòng đất để giữ đất như con người Ba Lai hiền hòa, mến khách trong câu ca dao:

“Ba Lai thời mở cõi

Sông sâu, nước chảy, sấu ghé, cọp gầm

Người Ba Lai tứ phương hội tụ

Nước ngọt quanh năm, đất lành chim đậu”

Thân bần thường vút thẳng lên cao nhưng do điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, cây bần ở Ba Lai có nhiều hình dáng, như trong câu nói dân gian: “Cây bần de, cây bần ngã, cây bần quỳ. Anh thương em đứt ruột tiếc gì sợi dây”.

Theo quan niệm xưa, bần là nghèo, là lầm than khổ cực (Thân em như trái bần trôi/ Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu). Nhưng đây cũng là loài cây rất gần gũi và hữu ích với bà con Nam Bộ. Khúc sông nào có bần, có gió thổi lao xao là nơi đó có ghe xuồng neo đậu để tránh nắng. Gỗ cây bần xốp và mềm nên thường được dùng làm chất đốt. Rễ bần một phần cắm sâu vào lòng đất, một phần mọc nhô trên mặt đất thường được dùng làm nút chai hoặc làm đế trái cầu lông vì chất gỗ nhẹ, không thấm nước. Riêng lá bần, ai bị té ngã, bị tụ máu bầm thì lấy lá bần giã với muối rồi vắt lấy nước uống giúp tan nhanh máu bầm, bớt đau. Trái bần, bông bần được dùng để chế biến ra nhiều món ăn độc đáo, lạ miệng như: Bông bần làm gỏi với bắp bò; lẩu trái bần; trái bần chín nấu canh chua, kho cá hoặc dầm với nước mắm chấm rau luộc...

Đặc biệt, trái bần xanh cắt ra trộn với mắm sống ăn chung với cơm nguội từng là món ăn được chúa Nguyễn khen không ngớt. Theo lời kể trong dân gian, có lần chúa Nguyễn Ánh đi lánh nạn ở cuối dòng sông Hậu được bà con dâng cho món đặc sản của làng là mắm cá ăn với bần chua. Sau khi thưởng thức xong, Nguyễn Ánh cảm thấy thơm ngon kỳ diệu, liền cám ơn dân làng. Chúa Nguyễn còn đổi tên cúng cơm cây bần thành danh xưng mỹ miều là “Thủy Liễu”. Và cũng từ đó, mắm sống bần chua trở thành đặc sản trứ danh của vùng đất phương Nam, một món ăn dân dã từ vua đến dân đều khen.

Du khách trải nghiệm dạo thuyền chặt dừa nước và thưởng thức món đặc sản sông nước này ngay trên dòng Ba Lai

Ở vùng này, con đom đóm tập trung đậu ở các rặng bần, phát sáng liên tục. Vì vậy, Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ có dịch vụ rất thú vị là chở du khách dạo sông Ba Lai ngắm đom đóm về đêm. Ban ngày, du khách được trải nghiệm việc tự tay đi hái trái bần rồi trộn với mắm sống ăn kèm cơm nguội ngay trên ghe khi đang dạo mát trên dòng Ba Lai. Món mắm sống chọn ăn kèm với trái bần thường là mắm cá sặt với cách chế biến rất đơn giản, chỉ cần lấy trong khạp hay hũ ra là có thể ăn ngay. Tuy món ăn rất đơn giản ai cũng có thể tự làm nhưng có sức cuốn hút ăn một lần là nhớ mãi.

Đến khu Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ, du khách có thể ghé thăm khu rừng nguyên sinh hiếm hoi ở miền ây Nam Bộ với hệ sinh thái tiêu biểu của rừng ngập mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

* Đưa những món dân dã thành đặc sản

Cũng theo lời kể của anh Võ Văn Duy Khanh, dừa nước cũng là loại cây gắn bó rất lâu đời với dòng Ba Lai này. Đặc điểm của cây dừa nước là không bao giờ sống lẻ loi mà sống thành từng đám, dân gian thường gọi là đám lá. Đa số người dân ở Ba Tri có ông bà gốc ở miền Trung, xưa là lưu dân về đây khai khẩn đất hoang. Họ đi bằng đường biển vào miền Nam nhờ chiếc ghe bầu và họ thường đốn lá dừa nước cắm vào lòng ghe để làm cánh buồm giúp đẩy thuyền đi nhanh hơn. Ba Tri là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi yên nghỉ của nhiều nhân vật lịch sử như: Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, đặc biệt là nơi an nghỉ của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu... Vùng đất này còn có “ông già Ba Tri” là biểu tượng cho người dân lam lũ, chịu thương, chịu khó nhưng rất thẳng thắn và chân thật.

Cá lòng tong chiên khoai

Xưa khi chưa có đập, cống ngăn mặn Ba Lai, khu vực này được gọi là khu vực nước mặn chà là gai vì chỉ cây chà là mới sống được ở đây. Trước kia Ba Lai khổ bao nhiêu thì khi có đập ngăn mặn lại trù phú bấy nhiêu. Sau khi có công trình ngăn mặn, dòng Ba Lai quanh năm suốt tháng đều là nước ngọt. Nhờ đó, vùng này nguồn tôm cá thiên nhiên rất dồi dào. Nhiều nhất là con hến nước ngọt.

Ban ngày, người dân trong vùng làm công việc đồng áng. Tối đến, họ thường đi đánh bắt thủy sản và thịnh nhất là nghề cào hến. Khu vực cào hến dài hàng cây số, nước thường chưa ngập quá đầu người lớn. Theo lời người dân nơi đây, một đêm hoạt động của một ghe cào hến sau khi trừ chi phí có thể thu về tiền triệu, là sự ưu đãi của thiên nhiên trù phú cho người dân vùng đất này.

Đến vùng đất Ba Lai, du khách có cơ hội trải nghiệm những hoạt động hấp dẫn như mò tôm bắt tép, giăng lưới bắt cá, uống nước dừa tươi ngay tại vườn, “tắm rừng” Vàm Hồ, săn đom đóm, đốn dừa nước, hái trái bần trên sông… Từ nguồn thủy sản thiên nhiên dồi dào, du khách cũng có cơ hội thưởng thức nhiều món đặc sản dân dã thơm ngon như: Bánh xèo hến ăn kèm với rau rừng, cơm hến cuộn dừa, cá lòng tong chiên khoai, cá kho nồi đất, hoa chuối xé phay; trải nghiệm làm bánh lá rau mơ nước cốt dừa, làm đặc sản bánh phồng ến Tre...

Bình Nguyên