Mỹ đặt cược vào SLUAS giữa đại dương...

Theo USNI News, Văn phòng Chương trình Kiểm soát Vũ khí và Hoạt động Tàu ngầm của Bộ Tư lệnh Hệ thống Hải quân Mỹ mới đây đã yêu cầu ngành công nghiệp quân sự Mỹ cung cấp đầu vào cho SLUAS.

Việc Hải quân Mỹ tăng cường đầu tư cho SLUAS được giới quân sự nước này lý giải rằng do hàng loạt ưu điểm của chúng với tàu ngầm khi hoạt động giữa đại dương.

Mô phỏng cách phóng UAS từ tàu ngầm.

Với một giờ bay của UAS, chiếc máy bay này có thể thu thập được những thông tin và hình ảnh vượt xa những gì có thể nhìn thấy bằng kính tiềm vọng dưới nước và hệ thống phát hiện tàu ngầm, giúp thủy thủ đoàn có nhiều thời gian triển khai nhiệm vụ hiệu quả và an toàn hơn.

Ngoài ra, UAS có thể được kết nối với tàu ngầm hoặc với một đơn vị khác, được trang bị camera quan sát ban ngày và ban đêm để cho phép tàu ngầm thực hiện giám sát ngoài đường chân trời.

UAS này sẽ là đôi mắt của tàu ngầm, trong khi hệ thống sonar của tàu ngầm khó có thể xác định tàu mục tiêu từ một tập hợp các tín hiệu thu thập được, thì UAS có thể dễ dàng xác định và đưa ra thông tin trạng thái và vị trí chính xác của mục tiêu, từ đó mở rộng đáng kể khả năng quan sát của tàu ngầm trong các cuộc tấn công trên biển và dưới mặt nước.

Không những vậy, những chiếc UAS còn có hiệu suất an toàn và tin cậy rất cao. UAS có khả năng hoạt động trong môi trường được kiểm soát phát xạ mà không cần liên kết liên lạc vô tuyến liên tục.

Đồng thời, UAS có liên kết dữ liệu được mã hóa với cường độ mã hóa ít nhất 256-bit. Khi liên kết dữ liệu bị gián đoạn do nhiễu hoặc các lý do khác, UAS có thể chuyển sang hoạt động ở chế độ tự động hoàn toàn.

Việc trang bị thêm UAS cho tàu ngầm sẽ tăng cường đáng kể khả năng thu nhận và nhận thức chiến trường theo thời gian thực và mở rộng phạm vi thu thập thông tin tình báo, đưa ra những phán đoán và đánh giá chính xác về tình hình chiến trường, làm gia tăng khả năng cơ động, tốc độ tấn công và hiệu quả chiến đấu.

Có thể nói, sự kết hợp hoàn hảo này sẽ làm thay đổi phương pháp tác chiến của tàu ngầm trong tương lai so với hiện nay.

Đặc biệt, UAS có thể giải quyết nhiều điểm mấu chốt như tàu ngầm không có khả năng cung cấp chỉ thị mục tiêu cho tên lửa hành trình tầm xa phóng từ tàu ngầm, không có khả năng cảm nhận chính xác môi trường chiến trường.

Các UAS có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu tác chiến của tàu ngầm tại các trận hải chiến công nghệ cao trong tương lai. Được biết, ngay từ năm 2013, Hải quân Mỹ đã thực hiện thành công nhiều vụ phóng UAS XFC từ tàu ngầm.

Cũng theo đuổi chương trình UAS như Mỹ nhưng Hải quân Nga lại khá chậm trong cuộc đua này khi mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở ý tưởng.

Hãng Sputnik dẫn nguồn tin từ Phòng thiết kế tàu ngầm Malakhit cho hay, các tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới của Hải quân Nga đều sẽ có thiết kế vỏ thân đôi với lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn.

Chúng vẫn được trang bị các loại ngư lôi, tên lửa và khả năng triển khai các phương tiện không người lái từ dưới mặt nước - chúng được khởi động sau khi đã được phóng khỏi tàu ngầm, nó có thể sẽ đóng vai trò như một mồi bẫy thông minh cho các tàu chiến của đối phương.

Trong khi tàu ngầm chủ thể đã bí mật rời khỏi khu vực nguy hiểm trên, Tổng giám đốc của văn phòng thiết kế Malakhit - Nikolai Novoselov tiết lộ.

Bên cạnh đó Malakhit cũng đang phát triển một mẫu tàu ngầm tấn công thế hệ thứ 5 cho Hải quân Nga theo một đơn đặt hàng từ Bộ quốc phòng Nga. Tuy nhiên, nguồn tin lại từ chối công bố các đặc điểm kỹ thuật của mẫu tàu ngầm trên.

Ngọc Hòa