Mỹ ép Kabul phải thỏa hiệp khiến Afghanistan nguy ngập

Năm 2020, Washington và Taliban đã ký kết thỏa thuận hòa bình Afghanistan đầu tiên sau hơn 18 năm chiến tranh, tại Doha. Thỏa thuận đề ra việc rút quân đội nước ngoài khỏi nước này trong vòng 14 tháng và khởi động tiến trình đối thoại liên Afghanistan sau khi trao đổi tù nhân bị hai bên bắt giữ.

Bất ổn trong nước ngày càng gia tăng, lực lượng quân chính phủ và phiến quân Taliban đã giao tranh quyết liệt, trong bối cảnh Lầu Năm Góc đã chính thức rút quân và hứa sẽ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 11 tháng 9.

Hiện nay, Taliban đã chiếm giữ những vùng lãnh thổ quan trọng ở nông thôn và tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào các thành phố lớn.

Tuần trước có thông tin cho biết phiến quân đã tiến sát Herat, thủ phủ của tỉnh cùng tên ở miền tây nước này, và cũng đang tiến hành những trận chiến ở Lashkar Gah, thành phố đầu não của tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan.

Bên cạnh đó, Taliban cũng đã tiến hành các vụ tấn công đẫm máu vào Kabul và vùng ngoại ô thủ đô. Các nhà lãnh đạo tổ chức này công bố rằng họ đã chiếm được hầu hết đất nước và tuyên bố: “Thời của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã hết”.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Mohammad Haneef Atmar nói rằng nhà cầm quyền chính thức của nước này sẵn sàng hợp tác với phong trào Taliban, nhưng chỉ với một điều kiện, đó là Taliban phải chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Một đoàn xe của Lực lượng đặc biệt Afghanistan trong nhiệm vụ giải cứu một trạm kiểm soát bị Taliban bao vây, ở tỉnh Kandahar, ngày 13 tháng 7 năm 2021

"Chúng tôi sẵn sàng làm việc cùng với Taliban, sẵn sàng đưa họ tham gia chính phủ, sẵn sàng hòa hoãn với họ và chia sẻ quyền lực với họ. Và chúng tôi cũng không đặt ra nhiều điều kiện cho việc này, thực tế là chỉ có một điều kiện - ở trong nước thì tương lai của Afghanistan phải được quyết định bởi ý nguyện tự do của nhân dân, còn ở ngoài biên giới thì Afghanistan không được gây ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào khác, còn ở đất nước chúng tôi cũng không được có bất cứ một lực lượng khủng bố nước ngoài nào...” - ông Atmar nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Izvestia.

Ngoại trưởng Afghanistan nhấn mạnh rằng, chính quyền Kabul sẵn sàng chấp nhận Taliban là một bộ phận của mình với điều kiện là họ phải chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Hiện nay, với sự hỗ trợ của các đồng minh nước ngoài, Taliban đang chiến đấu chống lại quân chính phủ ở 31 trong số 34 tỉnh trong nước.

Trong lúc tình hình nguy cấp như vậy, tờ báo Mỹ Wall Street Journal lại “đổ thêm dầu vào lửa” với bài viết cho rằng, vào năm ngoái, chịu áp lực của Mỹ, chính phủ Afghanistan đã thả 5.000 tay súng Taliban, trong đó có các thủ lĩnh của phong trào cực đoan này.

Trớ trêu thay, chính những kẻ được thả ra này hiện đang dẫn đầu các cuộc tấn công vào quân chính phủ, đặc biệt là các chỉ huy phiến quân đang tấn công Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh Helmand.

Tờ báo Mỹ dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Afghanistan Fawad Haman cho biết, một trong những chỉ huy của Taliban là Mawlawi Talib, đã được trả tự do trong khuôn khổ các cuộc đàm phán hòa bình, cùng với hàng nghìn tù nhân khác, những kẻ này lại bắt đầu chiến đấu cho phe Taliban.

Ban đầu, Kabul không muốn trả tự do cho các tù nhân, nhưng buộc phải làm như vậy dưới áp lực của Washington. Trước khi được thả, các tù nhân đã ký một thỏa thuận, trong đó họ tuyên bố không chống lại chính phủ, nhưng đa số ngay lập tức đã cầm vũ khí trong hàng ngũ Taliban.

“Những tay súng phiến quân được thả này đóng một vai trò quan trọng ở Helmand. Trong hàng ngũ của Taliban, họ thuộc những phần tử khủng bố hung bạo nhất” - tờ báo dẫn lời ông Haman nói.

Nguyễn Ngọc