Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cán bộ Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh DTTS trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tháng 10/2020.

Thực hiện Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”, với vai trò là cơ quan tham mưu, chủ trì thực hiện, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án với nhiều hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong đồng bào DTTS; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện tốt các chính sách dân tộc góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ANTT, đảm bảo an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo bà Ân Thị Thìn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Ban đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan đổi mới công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, như: Cấp phát tài liệu, tờ gấp; hội nghị tập huấn, tuyên truyền; qua đội ngũ người có uy tín, cán bộ dân tộc địa phương; lồng ghép cùng các chương trình, đề án khác... Nội dung tuyên truyền được chuyển tải một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con tiếp cận một cách dễ dàng. Trong đó tập trung vào các vấn đề bà con quan tâm; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh; an toàn giao thông; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu...

Sở Tư pháp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật cho người dân huyện Bình Liêu, tháng 11/2020.

Từ năm 2020 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức được 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 500 đại biểu tại các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều; cấp phát gần 1.000 cuốn tài liệu tuyên truyền và các cuốn sách tập hợp các văn bản pháp luật cần thiết, các cuốn sách hỏi đáp pháp luật đến các xã, thôn vùng đồng bào DTTS miền núi của tỉnh.

Với mục đích nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, Sở Tư pháp Quảng Ninh cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ PBGDPL, qua đó chủ động đưa kiến thức pháp luật đến tận cơ sở.

Giai đoạn 2016-2020, Sở đã tổ chức 58 hội nghị, lớp tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL cho trên 8.000 người tham dự; biên soạn và phát hành gần 340.000 tài liệu về các văn bản pháp luật cấp phát cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân. Riêng trong năm 2020, Sở đã tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 1.115 người; biên soạn và phát hành 31.000 tờ gấp pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực y tế; bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử... Đồng thời, đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử về PBGDPL tỉnh Quảng Ninh cho người dân thuận tiện theo dõi, nắm bắt.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền, vận động người dân xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tháng 3/2020.

Các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người DTTS cũng được Sở chỉ đạo tăng cường. Trong 4 năm qua, Sở đã tổ chức 210 chương trình trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, trong đó tập trung các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã miền núi, xã tập trung nhiều đồng bào DTTS của các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hạ Long...

Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thời gian qua đã làm chuyển biến nhận thức, hành vi, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân vùng đồng bào DTTS; góp phần xây dựng nông thôn mới, thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng và hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Nguyên Ngọc