Ngôi nhà hay tổ ấm?

Một bạn trẻ tâm sự với tôi, cô ấy rất sợ về nhà. Bởi cô hoàn toàn chẳng có cảm giác vui vẻ, bình yên gì khi trở về. Đi học hết buổi ở trường, mệt mỏi rã rời trở về nhưng cô vẫn phải làm rất nhiều việc nhà. Hai đứa em thì ham chơi chẳng chịu làm việc gì, còn bố mẹ thì bận rộn, về nhà không thấy nhà cửa sạch sẽ là la lối, trách cứ. Mọi người nói chuyện với nhau trong tâm thế cáu gắt. Không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề, mệt mỏi.

Một bạn trẻ khác thì chia sẻ, bạn ấy không muốn về nhà là do những áp lực từ lời nói của bố mẹ. Kỳ thi đang đến rất gần, bài vở trên lớp đã nhiều, về nhà bạn lại vấp phải những bài giảng đạo đức của bố mẹ trong những bữa cơm. Ban ngày vội đi làm đi học, cả nhà chỉ gặp nhau trong bữa tối có lẽ vì thế nên bố mẹ tranh thủ giáo huấn căn dặn đủ điểu, rồi than thở, so sánh với con nhà người khác. Thành ra bạn ấy luôn cảm thấy nặng trĩu trong mỗi bữa cơm, trong chính ngôi nhà của mình. Kết quả, bạn ấy chọn cách ở lì trong thư viện trường từ trưa đến tối muộn, ăn cơm cũng chỉ cắm cúi ăn thật nhanh rồi chạy lên phòng khép chặt cửa.

Trong mong mỏi của tôi, nhà là chốn bình yên để trở về sau một ngày dài làm việc đầy áp lực. Là nơi được người thân yêu quan tâm, hỏi han, chăm sóc và san sẻ công việc nhà. Là nơi có vòng tay ôm ấm áp, là những cử chỉ cảm thông và những lời động viên tiếp thêm động lực. Đó là nơi các con được bình yên lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, được nhìn thấy bố mẹ tôn trọng, thấu hiểu, giúp đỡ nhau. Là nơi các con được tạo mọi điều kiện tốt nhất để vui chơi, học tập và phát triển năng lực của bản thân; Không phải chịu đựng cảnh bạo lực, chiến tranh lạnh hay những ép uổng, phán xét, áp đặt từ bố mẹ.

Trong trí nhớ của tôi về thời thơ ấu, nhà là một mái ấm bình yên, nơi có mùi cá kho, có vại dưa ngồng vàng suộm đội nón ở góc sân, có tiếng ụt ịt của chú lợn sề võng chiếc lưng khoang đi đi lại lại. Nơi có khu vườn xanh mát bốn mùa hoa trái, sáng sớm tinh sương rộn rã tiếng gà gáy, tiếng chim ríu rít theo mùa. Có cả tiếng giọt gianh lách tách đều đều của mưa ngày xuân. Nơi đó có màu xanh của những luống rau mẹ trồng, có màu vàng của những chậu cúc hoa nở muộn. Mẹ tôi hiền từ, đưa cho tôi củ khoai mật nóng hổi lấy ra từ bếp than rực hồng. Chưa bao giờ mẹ mắng tôi một lời. Nơi đó, có bố tôi mỗi lần về phép, lại mang về một chai mật ong cho tôi và cẩn thận lắng nghe xem hơi thở của tôi có còn khò khè nữa không. Nơi đó, có tôi và đứa em trai, cứ vào mùa gặt, lại lũn cũn theo chị ra đồng mót lúa.

Có người chia sẻ với tôi, dạo gần đây, ngôi nhà cũ đầy ắp tuổi thơ cứ lặng lẽ chen vào những khoảng trống trong tâm trí khi cô ấy thiếp ngủ. Giống như một lời nhắc nhở dai dẳng, một chút níu kéo thiết tha, rằng cô đã lớn lên, đã gắn bó biết bao với nơi ấy. Chiếc giường cũ mọt gặm kêu ken két mỗi đêm, chiếc bàn học có ngăn nhỏ khi xưa cô vẫn lén giấu truyện đọc, góc bếp với bóng lưng quen thuộc của mẹ hàng ngày, khoảnh sân mỗi sáng cha vẫn treo đầy lồng chim. Từng chút một đều là kỷ niệm. Dù cô chẳng còn ở nhà thường xuyên, nhưng bao nhiêu dịu dàng mỗi khi nhắc đến hai tiếng “về nhà”, cô đều dành cho nơi ấy.

Với tôi, "nhà” cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được tìm đến náu mình để tìm lại sự bình yên. Nhưng sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn, nó phải được bồi đắp. Khi một căn nhà được dựng lên, nó chỉ là bê tông, gạch ngói và sắt thép... Lúc đó, các thành viên sống trong ngôi nhà ấy phải xây dựng nó thành tổ ấm.

Một chốn bình yên sẽ được xây đắp bằng những nụ cười xoa dịu, những câu nói vị tha, bằng sự thương yêu nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng cả những giọt nước mắt. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự giận dữ, cáu gắt hay buông xuôi, để kéo những trái tim về với nhau, để “nhà” trở thành nơi ta luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.

Nơi đó, mỗi người biết học cách tôn trọng sự khác biệt; biết chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo ở các thành viên, ở người bạn đời và ở những đứa con cho dù chưa được như kỳ vọng. Nơi đó, cái tôi phải được hạ xuống; lắng nghe nhiều hơn, nói ít đi; mọi người biết học cách thấu hiểu nhau, biết đặt mình vào vị trí của người thân để suy nghĩ và cảm nhận.

Có người bảo tôi, nếu không nơi đâu bằng được nhà mình, thì điều tối thiểu ta có thể làm cho ký ức của mình là đừng để nó trái nghĩa với sự bình yên. Và đừng đợi đến khi ta đã rời xa rồi mới thấy yêu thương nó. Biết đâu, đến khi ấy thì ta đã không thể nào về lại được./.