Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Những con sóng' chứa đựng điều lớn lao nhất của kiếp nhân sinh

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói về tập thơ "Những con sóng" của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát (bìa phải)

Tâm sự về mình, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nói: “Tôi là con nhà nông dân, rất chịu khó lao động, nghỉ ngơi là không chịu được”. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát còn chia sẻ thêm: “Phim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố còn thơ thì cứ viết thôi, đây là lao động tự do nhất, thoải mái nhất, thích nhất. Sau rất nhiều thời gian bôn ba ở các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, giờ tôi lại trở về với thơ.

9 năm, tôi mới tập hợp được 76 bài. Có những bài thơ viết 40 năm trước giờ mới được ra mắt bạn đọc. Đó là những bài thơ riêng tư, tình yêu, gia đình, nỗi nhớ đất nước, nhớ người thân, và cho người đã mất cách đây hơn 20 năm mà tôi không tiện công bố lúc họ còn sống.

Nhà thơ Vũ Quần Phương (bìa trái) nhận định thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát có trí tuệ và biểu tượng.

Đến lúc này có thể công bố mọi chuyện được, minh bạch hóa nhiều ơn huệ và trong tình cảm đó có nhiều giai thoại và dị bản. Tôi đưa các bài thơ ấy vào tập thơ mới sau khi được sự đồng ý của ông xã, ông nói cốt thơ hay là được vì anh quá hiểu biết, trước khi đến với mình anh quá biết mọi chuyện rồi, chẳng có gì phải giấu. Chuyện thật còn không giấu huống hồ là thơ, công bố ra để mọi người đọc.

Ở tuổi này phải chiêm nghiệm nỗi đời của mình đã từng trải, những gì diễn ra, cả hay cả dở. Chị chia sẻ về những nỗi vất vả khi đi học ở nước ngoài, giờ giải lao chị lại làm thơ. Viết để cho bớt cô đơn đi. Ở nhà cứ nghĩ đi nước ngoài là sướng. Trong nước giai đoạn đó rất khó khăn. Ở nước ngoài có kiểu vất vả mà ở nhà không biết được...”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, cho biết: "Cách đây 7-8 năm, hoặc 9-10 năm, những bài thơ của chị giống như những trái cây ngưng đọng qua tất cả mưa gió để tụ quả, làm nên độ ngọt của nó. Tôi đọc tập thơ của chị Hồng Ngát – “Những con sóng” và nhận thấy rằng đó là những câu chuyện hết sức bình dị, những câu chuyện thường nhật của một con người nhỏ bé nhưng ở đó lại chứa đựng những điều lớn lao nhất của kiếp nhân sinh.

Mỗi bài thơ chị kể những câu chuyện rất giản dị, tiếng vọng bên trong chữ nghĩa ấy nó rất đời thường, đôi khi mong manh mơ hồ nhưng trong mỗi câu chuyện ấy cuối cùng vẫn kết lại những triết lý của đời sống. Chị Ngát lớn hơn tuổi tôi, trải nghiệm hơn, đi qua chiến tranh, đi qua câu chuyện của đời mình riêng tư, đi qua mất mát vui buồn và chị là người thầy trong đường đời cũng như sự sáng tạo với cá nhân chúng tôi".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn cho rằng: “Với mỗi câu chuyện của chị, với mỗi thăng trầm của chị sinh ra một triết lý của đời sống. Mỗi một ngày, tôi cảm thấy tâm hồn chị lại tươi non hơn, trong trẻo hơn, đằm thắm và nhân ái hơn. Tôi nghĩ rằng, những câu thơ của chị giản dị, như đời sống mà chúng ta vẫn nhìn thấy.

Những điều mà như nhà thơ Vũ Quần Phương nói, giọng thơ của chị như một người kể chuyện, thì thầm, đầy tính ngữ, bình dị, nhẹ nhàng. Nhưng trong mỗi câu chuyện ấy, cuối cùng mỗi bài thơ ấy lại gói lại sinh ra một biểu tượng, triết lý của đời sống. Giá trị của thi ca như vậy. Đứng về mặt con người, chị hiểu những giá trị đích thực của đời sống, của đời sống là cái gì. Tôi nghĩ rằng, ai cũng có thể gặp những điều giống chị, những phiền muộn, những bất trắc, thách thức, khổ đau…giống như một con ngọc trai bị thương, đã biến những vết thương của mình trở thành một viên ngọc…”

Nhà thơ Vũ Quần Phương còn nhận định thêm, thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát rất thật, có khái quát, có trí tuệ và biểu tượng. Ông đã bình luận vài bài thơ và dành lời ngợi khen đối với nữ nhà thơ.

Phụng Thiên - Thiên Ân